Nguy cơ Omicron gây ra làn sóng COVID-19 lớn ở Mỹ, Ấn Độ lo ngại biến thể phụ mới BA.2.75

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ tư, ngày 13/07/2022 06:22 GMT+7

Hơn 562,39 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 13/7, thế giới có trên 562,39 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,37 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 90,49 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng 1,046 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.

Tờ The Guardian của Anh đưa tin, dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron là nguyên nhân gây ra phần lớn số ca mắc mới COVID-19 trên toàn nước Mỹ chỉ trong vài tuần qua và có nguy cơ gây làn sóng dịch lớn thứ hai tại nước này. Xu hướng trên xảy ra vào thời điểm phần lớn nước Mỹ đã nới lỏng gần như tất cả các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng dịch COVID-19 tại những địa điểm công cộng và người dân đang trở lại nhịp sống bình thường.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, hơn 1/3 dân số Mỹ đang sống trong các khu vực có nguy cơ lây lan COVID-19 ở mức trung bình và hơn 1/5 sống tại những khu vực có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện 2 dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron đang là những biến thể chủ đạo của virus gây bệnh COVID-19 tại Mỹ, gây ra 70% số ca mắc mới tại nước này, khiến số ca mắc và số ca nhập viện tăng cao trên cả nước.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 12/7, nước này ghi nhận 13.615 ca mắc mới. Hiện tổng cộng trên 43,65 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 525.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Nhiều chuyên gia y tế đã đưa ra cảnh báo về thách thức liên quan sự xuất hiện của biến thể BA.2.75 với khả năng lây lan nhanh chóng, có thể "né" kháng thể sản sinh từ phản ứng miễn dịch và các lần mắc COVID-19 trước, khiến nguy cơ tái nhiễm tăng.

BA.2.75 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và các nhà nghiên cứu gọi đây là một biến thể "thế hệ thứ hai" do có nguồn gốc phát triển từ dòng phụ BA.2 thuộc biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Biến thể phụ này đã lây lan tại ít nhất 3 khu vực khác nhau của Ấn Độ, quốc gia đã trải qua làn sóng dịch COVID-19 do BA.2 gây ra. Hiện số ca nhiễm BA.2.75 trên toàn cầu còn thấp nên khó thu thập thông tin về trình tự gene của virus.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 673.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 32,94 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Số ca mắc mới COVID-19 đang tăng mạnh ở thủ đô Moscow của Nga trong tuần vừa qua, chủ yếu do lây nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron. Trong thông báo vào ngày 12/7 trên Telegram, giới chức y tế Moscow cho biết, trong tuần tính ngày 6/7, trung bình mỗi ngày Moscow ghi nhận 500 - 600 ca mắc mới COVID-19, tăng 57% so với tuần trước đó. Do biến thể phụ BA.4 và BA.5 lây lan nhanh hơn, nhà chức trách địa phương khuyến nghị người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng để phòng ngừa.

Trong những tuần gần đây, nhiều quốc gia châu Âu ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng cao trở lại, chủ yếu liên quan đến các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron. Ngày 12/7, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi tất cả những người trên 60 tuổi tiêm mũi tăng cường thứ 2 của vaccine ngừa COVID-19. Trước đó, EU cho rằng mũi tiêm này chỉ cần thiết cho những người trên 80 tuổi và những người dễ bị tổn thương nhất.

Nguy cơ Omicron gây ra làn sóng COVID-19 lớn ở Mỹ, Ấn Độ lo ngại biến thể phụ mới BA.2.75 - Ảnh 1.

Moscow ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh trong tuần qua. (Ảnh: AP)

Giới chức y tế Australia đang kêu gọi người dân nước này tăng cường đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong nhà và các cửa hàng, khu mua sắm, trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 ngày càng lan rộng và có khả năng đạt đỉnh trong vòng 4 - 6 tuần tới.

Bộ Y tế Australia cho biết, số ca mắc mới tại nước này đang tăng rất nhanh và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Tại bang Victoria, số ca nhập viện do COVID-19 đã tăng hơn 50% chỉ trong vòng 2 tuần qua, chủ yếu là các ca nhiễm các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Giới chức y tế bang khuyến nghị, người dân nên đeo khẩu trang tại những khu vực công cộng trong nhà và khuyến khích các công ty sắp xếp để nhân viên có thể làm việc tại nhà nhiều nhất có thể.

Australia đã mở rộng phạm vi đối tượng được tiêm mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19, theo đó những người từ 30 tuổi trở lên có thể đăng ký tiêm.

Đài truyền hình quốc gia Australia ABC đưa tin phát hiện ổ dịch COVID-19 trên du thuyền Coral Princess có hành trình từ bang Queensland tới New South Wales, khiến hơn 2.000 hành khách trên du thuyền bị ảnh hưởng. Theo nguồn tin trên, hơn 100 người trên du thuyền này đã được xác định mắc COVID-19.

Cơ quan y tế bang New South Wales cho biết, phần lớn số ca mắc là thành viên thủy thủ đoàn. Trong khi đó, một số ít hành khách được chẩn đoán mắc bệnh khi ở trên du thuyền, nhiều khả năng họ đã nhiễm virus từ trước khi lên du thuyền. Hiện tất cả các trường hợp này đã được cách ly và được đội y tế trên tàu theo dõi sức khỏe.

Indonesia một lần nữa siết chặt quy định đi lại đối với du khách trong nước và quốc tế trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới hàng ngày có dấu hiệu gia tăng trở lại. Từ ngày 17/7 tới, khách du lịch nội địa chưa tiêm vaccine tăng cường khi sử dụng phương tiện cá nhân hoặc phương tiện giao thông công cộng di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác sẽ phải trình kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên âm tính, được lấy mẫu trong 72 giờ hoặc 24 giờ trước khi khởi hành.

Du khách chưa tiêm chủng phải trình giấy xác nhận lý do chưa hoặc không thể tiêm vaccine ngừa COVID-19, đồng thời trình kết quả xét nghiệm PCR hoặc kháng nguyên âm tính. Du khách từ 6 - 17 tuổi chỉ cần trình giấy chứng nhận đã tiêm 2 liều vaccine. Trong khi đó, du khách dưới 6 tuổi được miễn các yêu cầu tiêm chủng, nhưng phải trình kết quả xét nghiệm. Các yêu cầu và quy định nói trên cũng được áp dụng đối với khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Indonesia.

Bộ Y tế Campuchia ngày 12/7 đưa ra cảnh báo khẩn và đề nghị người dân cảnh giác, tự bảo vệ bản thân đối với biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron, được cho là có khả năng dễ lây lan. Theo Bộ Y tế Campuchia, các trường hợp mắc COVID-19 được phát hiện trong những ngày qua cho thấy, dịch bệnh ở Campuchia đã tái bùng phát kể từ ngày 28/6. Các biến thể BA.4 và BA.5 được phát hiện sau khi 84 trường hợp được xét nghiệm trong 2 tuần kể từ ngày 28/6.

Bộ Y tế Campuchia đề nghị người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện biện pháp "Ba bảo vệ - Ba không", tham gia tiêm vaccine đủ liều cơ bản và liều tăng cường theo quy định.

Tại Trung Quốc, chiến lược kiểm soát COVID-19 hiện nay là địa phương nào có dịch sẽ áp dụng biện pháp chống dịch rất quyết liệt, còn địa phương nào không có dịch, các hoạt động kinh tế được tạo điều kiện tối đa.

Thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang siết chặt quản lý người dân bằng quy định khi vào nơi công cộng phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính 72 tiếng. Du khách từ nơi khác đến phải có kết quả âm tính 24 tiếng. Phần lớn các địa phương quản lý chặt dịch bệnh bằng quy định người từ nơi khác đến phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 24 - 48 tiếng và phải có mã hành trình, mã quét sức khỏe QR màu xanh khỏe mạnh, không đi qua vùng dịch.

Nguy cơ Omicron gây ra làn sóng COVID-19 lớn ở Mỹ, Ấn Độ lo ngại biến thể phụ mới BA.2.75 - Ảnh 2.

Các địa phương Trung Quốc áp dụng các biện pháp chống dịch linh hoạt. (Ảnh: AP)

Sau Bắc Kinh, Tây An, Thượng Hải đã phát hiện biến thể Omicron. Thành phố Tây Ninh, thủ phủ tỉnh Thanh Hải vừa phát hiện 1 ca COVID-19 mới. Ngay lập tức học sinh phải nghỉ học, công tác chống dịch được siết chặt.

Tại đặc khu hành chính Macau, với biến thể Omicron, chính quyền ra lệnh đóng cửa toàn bộ sòng bạc trong 1 tuần. Người dân chỉ được ra khỏi nhà khi cần thiết. Cảnh sát theo dõi chặt chẽ việc đi lại của người dân, ai vi phạm phạt nặng. Đây là thiệt hại rất lớn cho Macau với nguồn thu lớn từ sòng bài. Gần 1 tháng nay, Macau có hơn 19.000 ca mắc COCIVD. Hiện cả 2 đặc khu hành chính Hongkong, Macau chống dịch quyết liệt gần giống chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc đại lục.

Tình hình dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, đang có dấu hiệu nóng lên khi số ca mắc mới báo cáo trong ngày 12/7 lần đầu tiên trong 4 tháng qua vượt ngưỡng 10.000 ca. Cụ thể, chính quyền thành phố Tokyo xác nhận có thêm 11.511 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng hơn gấp đôi so với 7 ngày trước đó. Số trường hợp mắc mới COVID-19 trong trung bình 7 tuần là 8.941 ca/ngày, tăng 136,6% so với tuần trước đó. Ngoài ra, Tokyo cũng ghi nhận thêm 1 bệnh nhân tử vong vì COVID-19. Lần gần nhất thành phố này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng cao kỷ lục là vào ngày 16/3 vừa qua.

Cùng ngày, giới chức tỉnh Okinawa, miền Nam Nhật Bản, cũng báo cáo số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước đến nay, với 3.436 ca, và thêm 4 người tử vong vì bệnh này.

Trước đó một ngày, người đứng đầu Nhóm chuyên gia cố vấn về phòng chống COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản Shigeru Omi cảnh báo, Nhật Bản đang phải đối mặt với làn sóng thứ 7 của dịch COVID-19, có thể do sự lây lan biến thể phụ BA.5 của biến thể Omicron. Tuy nhiên, ông cho rằng nước này chưa cần thiết thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc đã lên tới hơn 37.300 trường hợp trong ngày qua, tăng gấp 2 lần so với 1 tuần trước đó và lên mức cao nhất trong 2 tháng qua. Tại thủ đô Seoul, số ca mắc mới ở học sinh cũng đã tăng gấp 2 lần trong tuần qua. Dự kiến, trong ngày 13/7, Chính phủ Hàn Quốc sẽ có thông báo liên quan đến việc sửa đổi các biện pháp phòng dịch hiện nay, trong đó có các quy định về giãn cách xã hội.

Hiện Hàn Quốc ghi nhận trên 18,56 triệu ca mắc COVID-19, bao gồm 24.668 người thiệt mạng. Số ca mắc mới COVID-19 trong ngày ở Hàn Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng qua do sự lây lan của biến thể phụ BA.5 rất dễ lây lan. Điều này làm gia tăng quan ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19.

Italy triển khai tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ tư cho người trên 60 tuổi Italy triển khai tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ tư cho người trên 60 tuổi Nhiều giải pháp để ngăn làn sóng dịch mới tại Trung Quốc Nhiều giải pháp để ngăn làn sóng dịch mới tại Trung Quốc EU khuyến nghị tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ tư EU khuyến nghị tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ tư

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước