Quang cảnh buổi hội thảo.
Đây là nhận định được đưa ra tại buổi hội thảo đầu tiên của nhóm Diễn đàn đối tác chính sách về an ninh lương thực trong khuôn khổ Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cấp cao về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ vào sáng 18/8.
Với tất cả 7 nội dung thảo luận kéo dài trong hai ngày, hội thảo tập trung vào một số nội dung chính như: những tác động của biến đổi khí hậu đối với các nền kinh tế thành viên APEC, đặc biệt là nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và những giải pháp ứng phó; những giải pháp để sử dụng nguồn nước hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản lượng; cách thức các nền kinh tế thành viên đưa ra chính sách điều hành về quản lý nguồn nước cũng như sự khác biệt trong các chính sách này ở các nền kinh tế thành viên. Bên cạnh đó là những chia sẻ về giải pháp công nghệ mới đang được nghiên cứu hoặc đã được ứng dụng vào thực tế.
Theo các đại biểu, hiện khoảng 60 - 80% nguồn nước sạch được dùng cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, trước tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước sạch sẽ ngày càng sụt giảm, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sản xuất, kéo theo sự sụt giảm về sản lượng nông nghiệp. Trên thực tế, trong vài năm gần đây, vùng ĐBSCL đã chứng kiến những đợt hạn mặn lịch sử kéo dài, gây thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến hàng triệu ha đất canh tác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!