Nguy cơ tiêu hủy 1/4 số lợn trên thế giới do dịch tả lợn châu Phi

Theo TTXVN-Thứ năm, ngày 31/10/2019 22:42 GMT+7

(Ảnh minh họa: Reuters)

VTV.vn - Ngày 31/10, Chủ tịch Tổ chức Thú y Thế giới Mark Schipp cho biết khoảng 1/4 số lợn trên thế giới sẽ bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi.

Chủ tịch Tổ chức Thú y Thế giới Mark Schipp đưa ra thông tin trên trong bối cảnh giới chức các nước đang nỗ lực phòng chống dịch bệnh vốn diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trong kỷ nguyên toàn cầu hóa này.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Sydney, Australia, ông Stripp cho biết dịch tả lợn châu Phi lây lan ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, nơi chiếm tới một nửa đàn lợn trên thế giới, đã gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu. Ông nói: "Đây là mối đe dọa đối với ngành nuôi lợn vì mục đích thương mại và cũng là mối đe dọa lớn nhất đối với ngành chăn nuôi gia súc vì mục đích thương mại của thế hệ chúng ta".

Dịch tả lợn châu Phi là nguyên nhân khiến nhiều nước ở châu Á tiến hành tiêu hủy lợn hàng loạt. Ví dụ, Trung Quốc đã tiêu hủy khoảng 1,2 triệu con lợn nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan kể từ tháng 8/2018.

Theo ông Schipp, sự sụt giảm mạnh trong đàn lợn trên thế giới sẽ dẫn tới nguy cơ giá thịt lợn tăng cao và tình trạng thiếu hụt thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, ví dụ như thuốc heparin chống đông máu được chiết xuất từ ruột lợn. Kể từ năm ngoái, giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi. Việc Trung Quốc nhập thịt lợn từ nước ngoài cũng như dịch tả lợn châu Phi bùng phát quy mô nhỏ hơn ở các nước khác là những nguyên nhân đẩy giá thịt lợn tăng cao trên thế giới.

Ông Schipp cho biết do thiếu thịt lợn, một số nước dùng các nguồn thực phẩm khác thay thế như thịt gà, hay thịt bò và dẫn tới tình trạng giá các thực phẩm này cũng tăng cao.

Theo ông Schipp, các nước đang đạt được tiến bộ trong điều chế vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, song công việc này đầy khó khăn vì virus gây bệnh có kết cấu lớn và phức tạp. Tiến bộ lớn mà các nhà khoa học đạt được đến nay là đã làm rõ cấu trúc của virus này bằng hình ảnh 3 chiều.

Bệnh tả lợn châu Phi có nguồn gốc ở Nam Phi và xuất hiện ở châu Âu vào những năm 1960. Gần đây, dịch tả lợn châu Phi tái xuất ở Tây Âu, bắt nguồn từ những con lợn rừng được đưa vào các khu rừng ở Bỉ để phục vụ mục đích săn bắn. Khả năng lây lan nhanh của virus gây bệnh được thể hiện qua tốc độ lây lan từ Trung Quốc sang các nước khác trong năm 2018, như Mông Cổ, bán đảo Triều Tiên, các nước ở Đông Nam Á và Timor Leste.

Không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Bệnh tả lợn hiện không thể gây bệnh ở người nhưng có khả năng lây truyền sang các loài vật ruồi, muỗi, chuột, mèo, và gia cầm như gà, vịt. Lợn bị bệnh tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác, chẳng hạn như tai xanh, cúm, sốt thương hàn... Những bệnh này mới chính là tác nhân gây nguy hiểm cho người, bởi khả năng làm rối loạn hệ tiêu hóa.

Dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục lan rộng ở châu Á Dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục lan rộng ở châu Á

VTV.vn - Theo cảnh báo của Tổ chức Thú y Thế giới, dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tiếp tục lan rộng tại châu Á, mọi quốc gia đều có thể bùng phát dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước