Bất chấp nhiều biện pháp kiểm dịch chặt chẽ, chỉ chưa đầy 4 tháng sau khi quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Bắc Á là Triều Tiên bùng phát dịch tả lợn châu Phi, trong tuần này, các nước láng giềng của Triều Tiên là Nhật Bản và Hàn Quốc đã phát hiện những ổ dịch đầu tiên.
Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc đưa ra cảnh báo cao nhất về nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm trên gia súc sau khi liên tiếp phát hiện hai ổ dịch tả lợn châu Phi tại hai trang trại cách nhau 50km ở thành phố Paju và huyện Yeoncheon của tỉnh Gyeonggi gần biên giới với Triều Tiên. Trước đó, Nhật Bản đã tiêu hủy khẩn cấp gần 800 con lợn trước khi đưa vào thị trường tiêu thụ sau khi một ổ dịch tả lợn được phát hiện tại tỉnh Saitama, phía Bắc thủ đô Tokyo. Chính quyền tỉnh Saitama cũng hoãn các đơn hàng từ những trang trại lợn khác trong vùng có nguy cơ nhiễm dịch.
Tại Nhật Bản, dịch tả lợn chính thức được phát hiện vào tháng 9/2018 tại tỉnh Gifu, đến nay đã lan ra 8 tỉnh thành của nước này. Biện pháp ứng phó dịch chủ yếu của nước này là tiêu hủy, chôn lấp số lợn bị phát hiện nhiễm dịch tả; cách ly và khử trùng chuồng trại; tiêm vaccine phòng bệnh đối với lợn rừng, lợn hoang dã; hạn chế vận chuyển lợn tại khu vực phát hiện dịch và các vùng giáp danh. Nhiều ý kiến cho rằng, các biện pháp hiện nay vẫn chưa đủ hiệu quả, dịch tả lợn vẫn có xu hướng lan rộng.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, nước này đã chôn lấp gần 9.000 con lợn để ngăn chặn virus lây lan, đi kèm là các biện pháp cách ly, khủ trùng chuồng trại. Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cũng ra lệnh cấm vận chuyển lợn và các gia súc liên quan trên cả nước trong vòng 48 tiếng trong khi xác định nguồn gây bệnh. Ngày 18/9, giới chức Hàn Quốc cho rằng nguồn lây bệnh dịch tả lợn từ khu vực biên giới với Triều Tiên. Hiện Hàn Quốc đang gấp rút triển khai ngăn dịch từ khu vực này.
Trong thời gian qua, nước láng giềng của Hàn Quốc và Nhật Bản là Trung Quốc đã vật lộn với dịch tả lợn châu Phi lây lan trên toàn quốc hơn một năm qua. Việc hàng triệu con lợn bị tiêu hủy đã đẩy giá thịt lợn tại Trung Quốc lên cao kỷ lục.
Dịch tả lợn châu Phi được dự báo sẽ tiếp tục làm giảm một nửa trong 2/3 tổng đàn lợn còn lại. Giá thịt lợn ở Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng gấp 1,5 lần vào cuối năm 2019 so với khi dịch bùng phát cách đây một năm. Thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây đã áp dụng hình thức tem phiếu thịt lợn, cho phép người dân chỉ được mua tối đa 1kg thịt lợn mỗi ngày với mức giá bình ổn. Chính phủ Trung Quốc cũng bắt đầu xả 10.000 tấn thịt đông lạnh từ các kho dự trữ để cung cấp cho khoảng 130 triệu người, nhưng cũng không đủ bù đắp thiếu hụt lên tới 13 triệu tấn thịt lợn trong năm nay.
Với dân số 1,4 tỷ người và thịt lợn chiếm 2/3 lượng thịt tiêu thụ trong ngày, dù Trung Quốc đã tăng gấp đôi lượng thịt nhập khẩu nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong bối cảnh Tuần lễ Vàng đang đến gần. Việc sử dụng đến kho thịt lợn đông lạnh là dấu hiệu cho thấy sự leo thang của cuộc khủng hoảng thịt lợn tại Trung Quốc.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng do Trung Quốc dừng nhập khẩu từ Mỹ và chuyển sang nhập từ các nước khác, trong đó có Việt Nam, trong khi ở Việt Nam lượng lợn thịt trong dân không còn nhiều do gần 4,5 triệu con lợn đã bị tiêu hủy trong đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm đến nay. Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam dự báo, giá thịt lợn hơi có thể lên mức 60.000 đồng/kg trong năm nay. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cũng nhận định, giá thịt lợn sẽ có xu hướng tăng vào cuối năm 2019, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán 2020 do nguồn cung thịt lợn giảm vì ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!