Tuần này, một bài phân tích của hãng tin CNN cho thấy, những người chưa được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 không chỉ đơn thuần là mạo hiểm sức khỏe của chính họ mà còn có nguy cơ trở thành "điểm yếu" trong cộng đồng. Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ cho biết những người này có nguy cơ trở thành nguồn lây nhiễm cao nếu chẳng may họ mắc COVID-19.
Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư tại Khoa Các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, Mỹ trả lời phòng vấn CNN rằng: "Những người không được tiêm chủng có nguy cơ trở thành F0".
Ông Schaffner cũng cho biết nếu người không được tiêm chủng càng nhiều thì cơ hội để virus lây lan trong cộng đồng càng cao. Điều này còn trở nên đặc biệt nguy hiểm hơn khi các virus có thể đột biến thành những chủng khác với bây giờ. Các đột biến cũng thường khiến virus trở nên dễ lây lan hơn chủng trước đó. Các loại vaccine hiện có vẫn có thể bảo vệ con người trước các loại biến chủng hiện tại, nhưng chuyên gia cảnh báo điều này có thể thay đổi bất kỳ lúc nào nếu để virus tiếp tục có cơ hội thay đổi bên trong cơ thể những người chưa được tiêm phòng.
Số ca mắc COVID-19 ở Mỹ tăng chủ yếu ở những người chưa được tiêm chủng
Mỹ cho phép sử dụng nhiều loại vaccine COVID-19 để đảm bảo nguồn cung tại các bang. Ảnh: CNBC
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), bà Rochelle Walensky cho biết khoảng 93% trường hợp mắc COVID-19 đã được ghi nhận ở các quận có tỷ lệ tiêm chủng dưới 40%.
Gần như tất cả các trường hợp tử vong và nhập viện trên toàn nước Mỹ đều nằm trong số những người không được tiêm chủng, ông Jeff Zients, người đứng đầu nhóm phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng, cho biết như vậy.
Nói một cách đơn giản: ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, các ca mắc mới và số ca nặng phải nhập viện đã tăng lên.
Theo dữ liệu của CDC, biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ đã trở thành biến thể lây lan chủ đạo tại nước này khi chiếm tới 51,7% số ca mắc mới trong 2 tuần gần đây. Biến thể này cũng rất dễ lây lan, không chỉ ở Mỹ mà ở cả các quốc gia khác dù có tỷ lệ tiêm chủng cao như Anh hay Israel. Nhận thức được mối nguy này, Nhà Trắng có kế hoạch tập trung sự hỗ trợ của liên bang để tiêm phòng và điều trị COVID-19 ở các bang Arkansas, Missouri, Nevada và Illinois – nơi có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp.
Các loại vaccine hiện tại bảo vệ tốt chống lại tất cả các biến thể, nhưng điều đó có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Đó là lý do tại sao các bác sĩ và các quan chức y tế công cộng muốn nhiều người đi tiêm chủng hơn. Mỹ là nước có nguồn cung vaccine dồi dào nhưng vẫn còn một số bang, nhu cầu và tiến độ tiêm vaccine vẫn còn chậm. Theo dữ liệu từ CDC, chỉ có 18 bang đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn một nửa cư dân của họ.
"Hiện tại, khoảng 1.000 quận ở Mỹ có tỷ lệ tiêm chủng dưới 30%. Các cộng đồng này, chủ yếu ở khu vực Đông Nam và Trung Tây, là những nơi dễ bị tổn thương nhất. Ở một số khu vực, chúng tôi đang thấy tỷ lệ mắc mới tăng nhanh". Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho hay.
Hãy hình dung như thế này, virus giống như một tên cướp ngân hàng có hình ảnh truy nã ở khắp mọi nơi. Vaccine giống như hệ thống nhận diện "tội phạm". Virus sẽ dễ biến thể - giống như tội phạm thay đổi hình dáng – để lẩn trốn những "cảnh sát" - là hệ miễn dịch ở những nơi chúng không được nhận diện – tức là ở những cộng đồng chưa được tiêm chủng.
Các dữ liệu báo cáo sơ bộ cho thấy những loại vaccine hiện có của Pfizer Inc, BioNTech, AstraZeneca và Moderna đều có hiệu quả trong phòng, chống hiệu quả với virus SARS-CoV-2.
Tiêm chủng là "nghĩa vụ với đất nước"
Nhiều trạm tiêm chủng nhanh được thiết lập để tăng khả năng tiếp cận vaccine của người dân. Ảnh: The Guardian
Nước Mỹ đã không thể đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào ngày Quốc khánh Mỹ hôm 4/7 vừa qua. Đây là một điều đáng tiếc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay sau đó đã kêu gọi người dân đi tiêm chủng vaccine, trong bối cảnh Nhà Trắng phát đi tín hiệu về sự chuyển hướng chiến thuật nhằm tiếp cận những người chưa tiêm phòng.
Tổng thống Biden cảnh báo rằng không nên quá tự tin trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 do biến thể Delta là một trong những nguyên nhân làm tăng số ca COVID-19 ở những khu vực ít được tiêm chủng hơn tại Mỹ.
"Cuộc chiến chống lại loại virus này của chúng tôi vẫn chưa kết thúc. Ngay bây giờ, như tôi đã nói với các bạn, hàng triệu người Mỹ vẫn chưa được tiêm chủng và chưa được bảo vệ. Và vì thế, cộng đồng, bạn bè của họ và những người họ quan tâm đều đối mặt với rủi ro. Đây là một mối quan ngại thậm chí còn lớn hơn vì biến thể Delta".
Tổng thống Mỹ Joe Biden
Tổng thống Biden đã nêu hàng loạt biện pháp mà chính quyền của ông đang triển khai thực hiện để làm cho vaccine ngừa COVID-19 dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là việc tập trung vào tiêm vaccine cho những người trẻ tuổi. Nhóm ứng phó với đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng đang lên kế hoạch phân phối nhiều vaccine hơn tới phòng khám của bác sĩ và bác sĩ nhi khoa để các cá nhân, đặc biệt là những người từ 12-18 tuổi, có thể tiếp cận với các mũi tiêm. Ông Biden cũng xem việc thúc đẩy cách tiếp cận tận nơi, và ở cấp độ cộng đồng cũng như tăng cường các phòng tiêm chủng lưu động là những cách để đưa vaccine đến với nhiều người Mỹ hơn vào mùa Hè này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!