Nhật Bản: Chặng đường dài cho việc luật hóa "quyền được chết"

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 06/03/2016 22:33 GMT+7

VTV.vn - Tại Nhật Bản, những tranh cãi về "Quyền được chết" trong thời gian gần đây lại nóng lên, trong bối cảnh dân số nước này ngày một già hóa.

Khái niệm về "Quyền được chết" tại Nhật Bản có thể nói là không mới, khi đã từng xuất hiện chiến dịch vận động thông qua "Quyền được chết" vào năm 2012. Nhưng những tranh cãi về "Quyền được chết" trong thời gian gần đây lại nóng lên, trong bối cảnh dân số ngày một già hóa. Nợ công của Nhật Bản hiện đang ở mức cao nhất thế giới và ngày một trầm trọng, một phần là do chi phí chăm sóc sức khỏe cho người già tăng cao.

Nhật Bản đang đứng trước sức ép gì để thông qua Luật về "Quyền được chết"? Phóng viên Đức Cường, Thường trú Đài THVN tại Nhật Bản cho biết: "Cuộc tranh luận về quyền được chết tại Nhật Bản vẫn là một đề tài nhạy cảm và chưa được đem ra thảo luận một cách phổ biến. Năm 2012, tại Nhật Bản đã xuất hiện cuộc vận động luật hóa cái chết tự nhiên, trong tiếng Nhật gọi là cái chết tôn nghiêm (cho phép những người sống thực vật được ngừng các biện pháp kéo dài sự sống một cách vô nghĩa), nhưng suốt 3 năm qua, dự luật này vẫn chưa được mang ra thảo luận tại Quốc hội. Các nhà khoa học xã hội Nhật Bản cho rằng, khái niệm cái chết tôn nghiêm còn thấp hơn khái niệm quyền được chết ở Mỹ và châu Âu. Như vậy, Nhật Bản vẫn còn một chặng đường rất dài cho việc luật hóa quyền được chết".

"Xã hội Nhật Bản giữ một cái nhìn nghiêm khắc đối với cuộc vận động quyền được chết. Người Nhật cho rằng, chăm sóc người già là bổn phận không chỉ của con cháu mà còn của toàn xã hội. Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa chương trình phổ cập chăm sóc người già thành một trong những mục tiêu chính của Abenomics. Trong trường hợp luật hóa quyền được chết, một trong những mặt trái đầu tiên có thể xuất hiện là con cháu bệnh nhân không nỗ lực hết sức để cứu chữa, đồng thời mở ra khả năng xuất hiện các dịch vụ y tế gian dối. Mặc dù giữ thái độ thận trọng, các cuộc tranh luận về quyền được chết vẫn diễn ra một cách âm ỷ tại Nhật Bản và sức ép lão hóa dân số có thể thúc đẩy nhiều người có quan điểm thoáng hơn về quyền này" - phóng viên Đức Cường cho biết thêm.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước