Các cuộc điều tra gần đây cho thấy tỷ lệ các công ty áp dụng chế độ làm việc từ xa mặc dù đã tăng nhanh kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Nhật Bản nhưng vẫn còn xa so với mục tiêu của Chính phủ là phải giảm 70% số lượng nhân viên làm việc tại các văn phòng, nhất là tại các khu vực ban bố tình trạng khẩn cấp.
Báo Jiji đã trích dẫn số liệu điều tra đối với 1.333 công ty trong giai đoạn giữa cuối tháng 3 của Phòng Công nghiệp và Thương mại Tokyo về tình trạng làm việc từ xa cho thấy, trong số các doanh nghiệp lớn trên 300 nhân viên thì có đến 57,1% áp dụng chế độ làm việc từ xa, tuy nhiên đối với các doanh nghiệp nhỏ quy mô dưới 50 người, thì chỉ có 14,4% áp dụng chế độ làm này. Nếu tính theo lĩnh vực kinh doanh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và thông tin liên lạc có tỷ lệ áp dụng chế chế độ làm việc từ xa cao nhất lần lượng là 60% và 53,8%. Ngược lại các lĩnh vực có tỷ lệ thấp là lĩnh vực giao thông vận tải, phân phối hàng hóa, xây dựng, bất động sản chỉ đạt tỷ lệ khoảng 16%.
Báo Kyodo đã chỉ ra 4 thách thức lớn đối với mục tiêu làm việc từ xa của các doanh nghiệp Nhật Bản. Thứ nhất là tùy lĩnh vực kinh doanh mà lợi thế của làm việc từ xa là khác nhau, như các lĩnh vực xây dựng, lưu thông hàng hóa cần phải hoạt động tại hiện trường. Thứ hai, các thủ tục thương mại liên quan đến hợp đồng, tài liệu, hóa đơn, con dấu đang gây khó khăn cho cơ chế làm việc từ xa. Thứ ba, các công ty vừa và nhỏ gặp khó khăn với các biện pháp an ninh thông tin, bảo mật và phân phối máy tính cho nhân viên. Thứ tư là các nhân viên phải ghi rõ nơi làm việc.
Nhiều tờ báo nhận định, chống dịch COVID-19 là cơ hội để Nhật Bản thiết lập bền vững cơ chế làm việc từ xa. Nhưng nếu không nhanh chóng thay đổi các tập quán, thói quen thương mại phù hợp, có thể cơ hội này sẽ trôi qua khi mọi thứ trở lại bình thường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!