Nhóm nghiên cứu của giáo sư Yoshihiro Kawaoka thuộc Viện Y khoa của Đại học Tokyo phát hiện 3 loại thuốc kháng virus, gồm molnupiravir, nirmatrelvir và remdesivir, có hiệu quả đối với biến thể Omicron BA.2 - Ảnh: Reuters
Mỹ - nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến nay đã ghi nhận 81.988.278 ca mắc và 1.011.096 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (hơn 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (661.035 ca).
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 182,9 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,7 triệu ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với hơn 142,9 triệu ca mắc và hơn 1,4 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận hơn 96,9 triệu ca mắc và hơn 1,4 triệu ca tử vong, trong khi các con số này ở Nam Mỹ hiện là hơn 56,3 triệu ca mắc và hơn 1,2 triệu ca tử vong.
Nhật Bản đang lo ngại về nguy cơ lây lan dòng biến thể phụ BA.2 của biến thể Omicron, hiện đang lây lan nhanh và là chủng lây nhiễm chủ yếu tại nước này. Tại Bệnh viện Tokyo, khoảng 80% bệnh nhân nhập viện được xác định là nhiễm biến thể BA.2; hầu hết là người trẻ nhưng các triệu chứng nặng hơn biến thể Omicron gốc.
Tại bệnh viện Showa, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm biến thể BA.2 cũng là 80%, tăng gấp 8 lần so với thời điểm tháng 1; trong đó, 60% bệnh nhân có độ tuổi từ 20-30 tuổi.
Theo giới chức y tế Nhật Bản, dòng biến thể BA.2 gây các triệu chứng bệnh rõ ràng hơn so với chủng Omicron gốc. Ngay cả những người trẻ tuổi cũng có các triệu chứng bệnh rõ, do đó cần chú ý ảnh hưởng của biến thể này đối với những người cao tuổi, nhóm tuổi vốn có nhiều nguy cơ biến chứng nặng hơn.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 10/1/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ triển khai tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi, khoảng 9 tháng sau khi họ tiêm mũi thứ hai của vaccine ngừa COVID-19. Cụ thể, việc tiêm mũi tăng cường sẽ được triển khai từ ngày 10/4 và được thực hiện qua các trung tâm tiêm chủng tư nhân. Cho đến nay, mới chỉ có các nhân viên tuyến đầu và những người trên 60 tuổi mới được tiêm mũi tăng cường tại Ấn Độ.
Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ tư ngừa COVID-19 cho người trên 60 tuổi - theo khuyến nghị của giới chuyên gia. Từ ngày 8/4, những người trên 60 tuổi đã tiêm mũi vaccine thứ ba ít nhất 3 tháng có thể tiêm mũi thứ tư tại các trung tâm tiêm chủng. Chính quyền Hong Kong đưa ra quyết định trên trong bối cảnh 90% trường hợp tử vong trong làn sóng dịch thứ 5 ở đặc khu này là người trên 60 tuổi và hầu hết chưa tiêm vaccine.
Theo Cục trưởng Cục Y tế và vệ sinh thực phẩm Hong Kong - bà Trần Triệu Thủy, hiện chưa cần triển khai tiêm mũi thứ tư cho toàn dân, nhưng ít nhất phải tiêm mũi thứ ba. Bà cũng dẫn các số liệu thống kê cho biết mũi tiêm thứ ba có tác dụng rõ rệt trong việc ngăn ngừa bệnh trở nặng sau khi lây nhiễm và tỷ lệ tử vong ở những người đã tiêm 3 hoặc 2 mũi vaccine thấp hơn nhiều so với không tiêm vaccine. Trong số những bệnh nhân COVID-19 ở thể nặng và nguy kịch tại Hong Kong, có tới 59% số trường hợp là người không tiêm vaccine, 23% là người đã tiêm 1 mũi, 15% tiêm 2 mũi và chỉ 3% tiêm mũi thứ ba.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hơn 2/3 dân số ở châu Phi có thể đã mắc COVID-19, cao hơn khoảng 97 lần so với con số công bố chính thức. Các xét nghiệm thực hiện tại phòng thí nghiệm đã phát hiện 11,5 triệu ca mắc COVID-19 và 252.000 ca tử vong trên toàn châu lục này. Do việc tiếp cận các cơ sở xét nghiệm tại châu Phi bị hạn chế, nên nhiều ca nhiễm không được phát hiện. Các xét nghiệm chủ yếu được thực hiện ở bệnh viện đối với các bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng và những du khách cần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, trong khi đó có tới 67% người dân châu Phi mắc bệnh mà không có biểu hiện triệu chứng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!