Chính sách mở rộng tiếp nhận lao động nước ngoài tại Nhật Bản chính thức có hiệu lực ngày 1/4. Theo chính sách mới, Nhật Bản sẽ cấp thị thực lao động có thời hạn tối đa 5 năm cho lao động nước ngoài trong 14 ngành nghề, trong đó có ngành xây dựng, nông nghiệp và điều dưỡng.
Riêng đối với những lao động tay nghề cao trong 2 lĩnh vực là xây dựng và đóng tàu sẽ không giới hạn số lần được gia hạn thị thực làm việc tại Nhật Bản và còn được phép mang gia đình đến Nhật. Đây là một sự thay đổi lớn trong chính sách của Nhật Bản, đất nước vốn thường ưu tiên cấp thị thực cho những lao động trình độ cao hoặc tay nghề cao. Ước tính, Nhật Bản sẽ tiếp nhận khoảng 345.000 lao động nước ngoài trong 5 năm tới theo chính sách mới này.
Hiện Nhật Bản đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số nghiêm trọng. Việc mở rộng tiếp nhận lao động nước ngoài là biện pháp nhằm bù đắp cho sự thiết hụt nhân công tại nước này.
Với chính sách mới của Nhật, cơ hội cho lao động Việt Nam ở lĩnh vực nào là tiềm năng nhất?
Theo công bố của Chính phủ Nhật Bản, trong 14 ngành nghề tiếp nhận lao động nước ngoài trong vòng 5 năm tới, số lượng tiếp nhận dự kiến đối với ngành hộ lý, chăm sóc người già là nhiều nhất với 60.000 người, tiếp đến lành ngành xây dựng 40.000, sau đó là ngành nông nghiệp và vệ sinh tòa nhà mỗi ngành khoảng 37.000 người. Như vậy, tổng số lao động trong vòng 5 năm tới Nhật tiếp nhận là 345.000 người, tuy nhiên ngay trong năm đầu tiên kể từ ngày 1/4, Nhật Bản dự kiến tiếp nhận 47.000 lao đông nước ngoài.
Đối với những ngành nghề tiếp nhận số lượng nhiều sẽ là cơ hội rất lớn đối với lao động Việt Nam - lực lượng lao động rất được các doanh nghiệp Nhật Bản chú ý do có sự cần cù, chăm chỉ và trình độ tiếng Nhật tốt. Chính sách này không chỉ mở ra cơ hội với những lao động Việt Nam muốn lao động tại Nhật Bản, mà chính những lao động đang làm việc tại Nhật Bản cũng có cơ hội kéo dài thời gian làm việc tại đây.
Nhật Bản dự định có những chính sách gì để quản lý và tiếp nhận một lượng lớn lao động nước ngoài?
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản đối mặt với số lượng người lao động nước ngoài lớn, thực tế là cơ quan chức năng của Nhật Bản cũng đang lúng túng trong việc quản lý và hòa nhập người lao động nước ngoài với xã hội Nhật Bản - một xã hội rất khó tính và khép kín. Việc làm đầu tiên của nước này là tăng số lượng nhân viên, tăng số lượng các đơn vị quản lý đối với người nước ngoài, theo đó sẽ xuất hiện hàng loạt các cơ quan, các dịch vụ công hướng đến đối tượng này.
Ngoài ra, lực lượng chức năng Nhật Bản sẽ mạnh tay xử lý các tình trạng tiêu cực liên quan đến lao động nước ngoài. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của những nước phái cử lao động, tạo ra những "màng lọc" các lao động xấu, các công ty môi giới lao động xấu ngay từ nước phái cử. Đồng thời, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giải thích để xã hội hiểu và chấp nhận cởi mở với người nước ngoài.
Để giải quyết nỗi lo về lạm dụng lao động nước ngoài, Bộ Tư pháp Nhật Bản cũng ban hành một sắc lệnh yêu cầu người sử dụng lao động phải trả cho họ mức lương tương đương hoặc cao hơn so với những người có quốc tịch Nhật Bản. Khoản tiền lương của lao động nước ngoài sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của họ - bằng chứng cho thấy họ được trả lương công bằng.
Các công ty cũng được yêu cầu chỉ định nhân viên phụ trách hỗ trợ cuộc sống hàng ngày của lao động nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!