Nhật Bản nghiên cứu lâm sàng tế bào máu nhân tạo

An Ngọc, An Khê-Thứ tư, ngày 07/08/2024 06:08 GMT+7

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

VTV.vn - Đại học Y Nara (Nhật Bản) cho biết, từ tháng 3/2025 sẽ bắt đầu nghiên cứu lâm sàng về tế bào hồng cầu nhân tạo có thể lưu trữ để truyền máu trong trường hợp khẩn cấp.

Đại học Y Nara đã đặt mục tiêu đưa các tế bào nhân tạo vào sử dụng thực tế vào khoảng năm 2030 và có thể sẽ là lần đầu tiên trên thế giới. Các nhà khoa học đã nghiên cứu phát triển các tế bào máu để sử dụng ở những vùng xa xôi và thảm họa, đề phòng xảy ra tình trạng thiếu máu tại các cơ sở y tế do số lượng người hiến máu giảm khi dân số Nhật Bản ngày càng giảm.

Theo các nhà nghiên cứu, trong khi các tế bào hồng cầu từ máu hiến tặng chỉ bảo quản được trong vòng chưa đầy 1 tháng ở nhiệt độ thấp, các tế bào nhân tạo có thể bảo quản trong 2 năm ở nhiệt độ phòng. Bên cạnh đó, vì các tế bào máu nhân tạo không chứa bất kỳ nhóm máu nào nên có thể sử dụng mà không cần xác nhận nhóm máu của bệnh nhân và có thể truyền trong quá trình vận chuyển bằng xe cứu thương.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học sẽ truyền 100 - 400 ml dung dịch tế bào máu nhân tạo cho mỗi người trong số 16 người lớn khỏe mạnh tham gia thử nghiệm. Đại học Y Nara cho biết nếu không có tác dụng phụ nào được xác nhận sau khi dùng 400 ml, thử nghiệm sẽ chuyển sang kiểm tra hiệu quả và tính an toàn của phương pháp điều trị.

Các tế bào máu nhân tạo được phát triển mà không chứa virus và các nguồn lây nhiễm khác, bằng cách sử dụng máu của người hiến tặng đã bị loại bỏ sau khi hết hạn sử dụng. Giáo sư Đại học Y Nara, Hiromi Sakai khẳng định nhu cầu về tế bào máu nhân tạo là "rất lớn" vì hiện tại vẫn chưa có chất thay thế an toàn nào cho tế bào hồng cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước