Các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản cho biết họ đã phát hiện rằng xét nghiệm máu có thể dự đoán sự khởi phát của bệnh Alzheimer với độ chính xác cao. Giáo sư Iwatsubo Takeshi của Đại học Tokyo và những người khác đã công bố phát hiện này trên một tạp chí y khoa quốc tế mới đây.
Một loại protein bất thường - amyloid beta - tích tụ trong não của bệnh nhân Alzheimer rất lâu trước khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện, là hậu quả của sự mất dần (thoái hóa) các tế bào não. Quá trình thoái hóa này có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau trên hình ảnh chụp chiếu não bộ.
Cơ chế phát hiện sớm bệnh Alzheimer bằng xét nghiệm máu (Ảnh: NHK)
Với nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học Nhật Bản đã tiến hành phân tích chi tiết mẫu máu lấy từ 474 người không mắc bệnh và so sánh kết quả thông qua chẩn đoán từ hình ảnh não. Sau đó, họ có thể dự đoán tình trạng amyloid trong não với độ chính xác cao thông qua phân tích máu của hai loại protein - amyloid beta và tau phosphorylated ở threonine 217, hay p-tau217.
Bằng cách bổ sung các thông tin khác, chẳng hạn như tuổi tác, tiền sử bệnh lý, xét nghiệm máu cho thấy tỷ lệ chính xác trên 90% trong việc dự đoán sự tích tụ amyloid. Giáo sư Iwatsubo cho biết các loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer mới gần đây đã được phê duyệt để sử dụng trong giai đoạn đầu của bệnh. Ông cho biết thêm, các phương pháp điều trị trong tương lai có thể sẽ nhắm đến những người chưa mắc bệnh Alzheimer và các xét nghiệm máu có thể phát hiện bệnh sẽ hỗ trợ điều trị sớm.
Bệnh Alzheimer được coi là căn bệnh trầm trọng của não bộ, là nguyên nhân gây ra suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tư duy (suy nghĩ, giải quyết vấn đề đặt ra hợp lý) và các kỹ năng cuộc sống bình thường. Bệnh thường xuất hiện ở người trên 65 tuổi, tuy nhiên vẫn có thể đến ở độ tuổi từ 50 đến 65 tuổi. Ở giai đoạn muộn, người bệnh mất dần khả năng thực hiện các hoạt động vận động sinh hoạt hàng ngày, thậm chí còn xuất hiện triệu chứng ảo giác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!