Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9 năm nay. Các loại thực phẩm chức năng cũng nằm trong diện phải báo cáo.
Đây là biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa việc quản lý chất lượng thực phẩm chức năng sau một số bê bối về sức khỏe xảy ra gần đây.
Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng thuộc Văn phòng Nội các Nhật Bản đã đưa ra hệ thống báo cáo này nhằm ngăn chặn tái diễn sự cố về sức khỏe do các sản phẩm chứa gạo lên men đỏ "beni kо̄ji" của công ty dược phẩm Kobayashi gây ra.
Theo đó, các doanh nghiệp buộc phải báo cáo cho cơ quan và sở y tế địa phương nhanh chóng khi họ biết thông tin về tình trạng sức khỏe do bác sĩ xác định. Cụ thể, khi có từ 2 trường hợp gặp cùng một vấn đề sức khỏe xảy ra trong vòng 30 ngày, doanh nghiệp phải báo cáo lên cơ quan chức năng về thiệt hại sức khỏe trong vòng 15 ngày. Đối với các trường hợp nghiêm trọng như tử vong hay nhập viện, phải báo cáo trong vòng 15 ngày bắt buộc ngay cả chỉ với 1 trường hợp bị thiệt hại. Quy định trên đã khắc phục được tình trạng không rõ ràng về thời hạn báo cáo như hiện nay.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có nghĩa vụ kiểm tra sản phẩm của mình thường xuyên và công bố kết quả hàng năm. Chế độ báo cáo theo năm sẽ bắt đầu từ tháng 4/2025. Doanh nghiệp vi phạm sẽ chịu các hình phạt hành chính - bao gồm cả đình chỉ kinh doanh.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét sửa đổi pháp lệnh liên quan nhằm tăng cường hơn nữa việc quản lý chất lượng thực phẩm chức năng, với việc yêu cầu áp dụng quản lý và sản xuất theo tiêu chuẩn GMP dự kiến vào tháng 9/2026. Hiện có khoảng 1.700 doanh nghiệp đang sản xuất và bán thực phẩm chức năng, số lượng sản phẩm là 7.000 loại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!