Thỏa thuận trên có hiệu lực từ tháng 7/1988, cho phép Nhật Bản tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng, chiết xuất plutoni và làm giàu urani trong vòng 30 năm. Nếu không bên nào muốn xét lại thỏa thuận trước khi hết hiệu lực, văn kiện này sẽ tiếp tục có hiệu lực, đồng nghĩa với việc Nhật Bản là quốc gia duy nhất không có vũ khí hạt nhân được phép tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Tuy nhiên, vì giai đoạn 30 năm đầu thực thi thỏa thuận đã đặt ra những bất trắc đối với tương lai thỏa thuận trên, từ nay trở đi cứ 6 tháng/lần, các bên tham gia thỏa thuận phải thông báo cho bên kia.
Mỹ được cho là rất quan tâm đến kho plutoni của Nhật Bản, dù Tokyo đã hạn chế hoạt động nghiên cứu, phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vào các mục đích hòa bình. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono ho biết: "Nhật Bản sẽ làm mọi cách có thể để duy trì cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân trong khi kéo dài thỏa thuận hạt nhân Nhật - Mỹ". Ông nhấn mạnh: "Điều quan trọng là nỗ lực hướng tới giảm lượng lớn plutoni mà Nhật Bản đang sở hữu".
Theo số liệu chính thức, Nhật Bản hiện đang có khoảng 47 tấn plutoni, đủ để sản xuất khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân. Trong số này, khoảng 10 tấn được lưu trữ tại Nhật Bản, số còn lại ở Anh và Pháp, tính đến cuối năm 2016. Đầu tháng 7 vừa qua, trong một kế hoạch năng lượng cơ bản, Nhật Bản lần đầu tiên tuyên bố sẽ giảm số lượng trên.
Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe duy trì chính sách ủng hộ hạt nhân, cho rằng các nhà máy nào vượt qua "bài kiểm tra" an toàn nghiêm ngặt hơn sẽ được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, việc tái khởi động các nhà máy này dường như rất khó khăn trong bối cảnh các lo ngại về độ an toàn vẫn còn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!