Hội nghị được tổ chức nhằm làm hồi sinh Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong bối cảnh loài người đang ngày càng xả một lượng khí gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.
Hội nghị này quy tụ lãnh đạo các chính phủ và các tổ chức quốc tế nhằm tìm ra giải pháp trong các lĩnh vực gồm: chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng tái tạo; hạ tầng thành phố bền vững; quản lý rừng, đại dương và nông nghiệp bền vững; chống chọi và thích ứng với tác động của khí hậu; huy động tài chính để xây dựng nền kinh tế không phát thải carbon.
Trong một ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu sẽ tham gia 12 phiên thảo luận, với các nội dung quan trọng như: công bố các kế hoạch giảm phát thải carbon về 0% vào năm 2050, chuyển đổi từ nền kinh tế xám sang nền kinh tế xanh, hỗ trợ các quốc gia chậm phát triển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển.
Hội nghị này được kỳ vọng sẽ đưa ra nhiều sáng kiến, kế hoạch hành động và cam kết cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngay trước thềm Hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Guterres đã yêu cầu các chính phủ phải có kế hoạch hành động cụ thể để ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng.
Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh hội nghị này không phải hội nghị thảo luận hay thương lượng mà là hội nghị hành động. Ông Guterres kêu gọi lãnh đạo các nước có hành động cụ thể và khả thi để tăng cường đóng góp ở cấp quốc gia vào năm 2020, hướng tới mục tiêu giảm 45% khí thải nhà kính trong vòng một thập kỷ tới và không phát thải vào năm 2050.
Để đảm bảo hiệu quả, Liên Hợp Quốc cho rằng điều cần làm lúc này không chỉ là giảm thiểu phát thải carbon, mà còn phải tìm ra cách chuyển đổi hoàn toàn nền kinh tế phù hợp với các mục tiêu phát triển, bền vững.
Quá trình chuyển đổi này phải đảm bảo công bằng, tạo cơ hội và bảo vệ những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!