Bất mãn với chiến lược tập trung, nhiều nước EU "rẽ lối" để tiếp cận vaccine COVID-19

An Ngọc (theo CNN, CNBC)-Thứ tư, ngày 03/03/2021 16:49 GMT+7

VTV.vn - Trước tình trạng chiến dịch thu mua và phân phối tập trung vaccine COVID-19 của EU cho cả khối gặp cản trở về nguồn cung, nhiều nước đã quyết định rẽ lối đi riêng.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mặc dù là khối đưa ra chiến lược tiêm chủng vaccine từ rất sớm, nhưng đến giờ chỉ có 5,5% dân số trong tổng số 447 triệu người dân Liên minh châu Âu (EU) được tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên.

Đầu tuần này, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz thông báo rằng ông dự định làm việc với Israel và Đan Mạch về việc hợp tác và sản xuất vaccine trong tương lai, xoay quanh việc phát triển vaccine thế hệ 2 để chống lại các biến thể virus mới.

Trước đó, nhà lãnh đạo Áo đã chỉ trích chiến lược vaccine của EU và cơ quan quản lý của khối- Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA). Vài tuần sau khi vaccine của Pfizer/BioNTech được cấp phép ở Anh và Mỹ, EMA mới phê duyệt vaccine này.

EMA đã cấp phép lưu hành 3 loại vaccine COVID-19 của Pfizer/ BioNTech, Oxford/AstraZeneca và Moderna, nhưng các nước EU có thể cấp phép khẩn cấp cho các loại khác, như Vương quốc Anh đã làm vào tháng 12/2020, khi nước này vẫn còn trong giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit.

Bất mãn với chiến lược tập trung, nhiều nước EU rẽ lối để tiếp cận vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

EMA đã cấp phép lưu hành 3 loại vaccine COVID-19 của Pfizer/ BioNTech, Oxford/AstraZeneca và Moderna (Nguồn: The New York Times.)

Cơ quan Dược phẩm Châu Âu quá chậm trễ trong việc cấp phép cho các công ty dược phẩm

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz

"Đó là lý do tại sao chúng tôi phải chuẩn bị đối phó kịch bản xuất hiện thêm các biến thể virus bằng cách đẩy nhanh tiêm vaccine và không nên phụ thuộc vào EU khi sản xuất vaccine thế hệ thứ 2", Thủ tướng Áo nói thêm.

Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen cũng đưa ra nhận xét tương tự hôm thứ Hai. "Nỗ lực phân phối vaccine của châu Âu không còn có thể đứng một mình nữa," bà phát biểu, đồng thời nói thêm rằng đây là lý do tại sao Đan Mạch và Áo hợp tác để có được số lượng vaccine nhiều hơn.

Nhiều nước châu Âu tìm đến Nga và Trung Quốc

Các quốc gia EU khác đã tìm đến Nga và Trung Quốc để lấp lỗ hổng trong việc cung cấp vaccine thông qua mua sắm đơn phương. Đầu tuần này, Slovakia - nước có tỷ lệ tiêm chủng 2,6%, dưới ngưỡng tỷ lệ hiện tại của EU là trên 4%, đã cấp phép khẩn cấp cho vaccine Sputnik V của Nga, sau khi việc cung cấp vaccine Pfizer và AstraZeneca bị đình trệ.

"Việc phê duyệt của Slovakia dựa trên kết quả các thử nghiệm lâm sàng của vaccine Sputnik V ở Nga và đánh giá toàn diện về loại vaccine này của các chuyên gia ở Slovakia", Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, nơi hỗ trợ sản xuất vaccine Sputnik V, cho biết .

Tuy nhiên, EMA vẫn chưa bật đèn xanh cho vaccine Sputnik V.

Bất mãn với chiến lược tập trung, nhiều nước EU rẽ lối để tiếp cận vaccine COVID-19 - Ảnh 3.

Slovakia đã cấp phép khẩn cấp cho vaccine Sputnik V của Nga. (Nguồn: Reuters)

Slovakia là quốc gia EU thứ hai độc lập cấp phép cho vacccine Sputnik V sau Hungary. Trong khi đó, Hungary cũng là nước EU đầu tiên triển khai vaccine Sinopharm của Trung Quốc, chưa qua phê duyệt của EMA.

Tiêm chủng không phải là vấn đề chính trị, mà là vấn đề về hiệu quả và độ tin cậy. Chúng tôi thấy rằng cả vaccine của Trung Quốc và Nga đều đang được sử dụng nhiều nơi trên thế giới

Ngoại trưởng Hungary Zoltan Kovacs trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN

Hungary đã đặt hàng các liều vaccine Pfizer, Moderna và AstraZeneca thông qua EU, nhưng ông Kovacs cho biết chiến lược tập trung của khối đã không đáp ứng được kỳ vọng. Ông nói: "Có thể thấy rõ rằng chiến lược đó so với Anh, Israel, thậm chí là Mỹ, đã thất bại. Bộ máy hành chính Brussels đã không thể đưa ra các giải pháp nhanh chóng và ngay lập tức liên quan đến các hợp đồng, chúng tôi đang bị tụt lại phía sau ít nhất hai tháng". 

Thành viên thất vọng vì chiến lược phân phối vaccine của EU

Hungary không phải là quốc gia duy nhất thất vọng về cách xử lý của khối trong việc triển khai vaccine.

Tổng thống Cộng hòa Czech Miloš Zeman tuyên bố rằng nước này có thể phân phối vaccine Sputnik V nếu vaccine được cơ quan quản lý trong nước cấp phép.

Bất mãn với chiến lược tập trung, nhiều nước EU rẽ lối để tiếp cận vaccine COVID-19 - Ảnh 5.

EU đối mặt sự thất vọng của một số thành viên do chậm trễ triển khai tiêm vaccine (Nguồn: Reuters)

Việc phá vỡ chiến lược vaccine tập trung của EU diễn ra trong bối cảnh khối này đang có sự tiến triển về vaccine AstraZeneca. Pháp cho biết chỉ nên dùng vaccine này cho những người dưới 65 tuổi, với lý do thiếu dữ liệu lâm sàng về hiệu quả của vaccine đối với người lớn tuổi. 

Tuy nhiên, Paris hiện đã mở rộng giới hạn độ tuổi tới 75. Dữ liệu từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cho thấy một liều vaccine AstraZeneca có hiệu quả cao trong việc chống lây nhiễm và nhập viện ở những người cao tuổi. Theo nghiên cứu, vaccine Pfizer cũng có tác dụng tương tự.

Trước tình trạng một số nước EU rẽ lối đi riêng, các nhà lãnh đạo EU cho biết đang tập trung vào việc đưa chiến dịch tiêm chủng của khối trở lại đúng hướng. 

"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện nay là tăng tốc độ sản xuất, cung cấp vaccine và tiêm chủng trên khắp Liên minh châu Âu", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết.

Hiện EU hiện đang đối mặt với một cuộc chạy đua để khắc phục việc triển khai vaccine, trong khi vẫn phải tìm cách giữ niềm tin của các quốc gia thành viên đang lo lắng tìm kiếm giải pháp ở nơi khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước