Nhiều phản ứng trái chiều về luật hạn chế người nhập cư của Đan Mạch

Hồng Quang, Đoàn Hà (Thường trú Đài THVN tại châu Âu)-Thứ tư, ngày 27/01/2016 22:57 GMT+7

VTV.vn - Các dự luật nhằm hạn chế người nhập cư của Đan Mạch do Quốc hội nước này thông qua ngày 26/1 đã gây ra những phản ứng trái chiều.

Với đa số phiếu áp đảo, Quốc hội Đan Mạch đã quyết định sửa luật, buộc những người tới xin tị nạn phải giao nộp tiền và các tài sản có giá trị trên 10.000 Couronne (32 triệu đồng Việt Nam). Luật mới cũng cắt giảm 10% trợ cấp dành cho người đang đợi xét đơn xin tị nạn và buộc những người đã có quy chế tị nạn phải chờ sau 3 năm mới được đón gia đình sang đoàn tụ tại Đan Mạch.

Ông Marcus Knuth, người phát ngôn của Chính phủ Đan Mạch cho biết: “Đúng như dự kiến, dự luật được 3/4 Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ. Bởi vì rất không may, đây là biện pháp cần thiết để giảm bớt gánh nặng của Đan Mạch xuống tương đương với tỷ lệ của các nước châu Âu khác. Nếu nhìn vào số dân Đan Mạch, tỷ lệ người đến xin tị nạn hiện nay là quá cao”.

Văn bản đã được trình lên Nữ hoàng Margrethe II phê chuẩn và sẽ có hiệu lực từ tuần sau. Liên minh châu Âu và Cao ủy Liên Hợp Quốc về Tị nạn đã ngay lập tức chỉ trích quyết định của Đan Mạch. Trên thực tế, cách làm của Đan Mạch là không mới. Thụy Sĩ từ lâu đã tịch thu của người tới xin tị nạn tất cả tiền và các đồ vật có giá trị trên 1.000 Frans Thụy Sĩ; một số bang tại Đức áp dụng cách này với các món đồ trên 350 Euro. Đối với biện pháp buộc người tị nạn phải sau một thời gian dài mới được đưa gia đình sang đoàn tụ, Liên Hợp Quốc cảnh báo, đoàn tụ gia đình là một nguyên tắc cơ bản đã được quy định trong luật pháp quốc tế.

Điểm đáng chú ý của luật sửa đổi tại Đan Mạch là sẽ không cho phép tịch thu các tài sản mang "giá trị tinh thần đặc biệt" của người tị nạn như: nhẫn cưới, chân dung gia đình, đồ trang trí mà tập trung vào các tài sản như đồng hồ đeo tay, điện thoại di dộng hay máy tính. Những người chỉ trích cho rằng, luật này đang đi ngược lại những giá trị làm nên nền tảng của Đan Mạch là sự khoan dung và bác ái. Tuy nhiên, chính giới Đan Mạch cho rằng, quốc gia này vẫn luôn rộng mở với người tị nạn. Sau các vụ phạm tội mà người di cư gây ra hồi đầu năm 2016 tại một số nước châu Âu, Đan Mạch sẽ không phải là quốc gia cuối cùng thực hiện biện pháp cứng rắn này.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước