Nhiều quốc gia không còn quá coi trọng số ca mắc mới

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 14/03/2022 17:02 GMT+7

Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu chấm dứt mọi quy định liên quan đến virus SARS-CoV-2.

VTV.vn - Đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã không còn quá coi trọng số ca mắc mới, mà tập trung giảm số ca bệnh nặng và số ca tử vong.

Thậm chí để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, nhiều nước đã mở cửa hoàn toàn và đang chuẩn bị coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, hay bệnh lưu hành thông thường.

Đầu tháng 2 vừa qua, Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu chấm dứt mọi quy định liên quan đến virus SARS-CoV-2. Theo quan điểm của Chính phủ Đan Mạch và đại đa số người dân nước này thì virus SARS-CoV-2 không còn được coi là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với xã hội". Số ca nhiễm vẫn cao - rất cao nhưng người Đan Mạch đã sẵn sàng bước tiếp. Ngay cả khi có kết quả dương tính, người mắc không còn có nghĩa vụ pháp lý phải tự cách ly.

Tiếp sau Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và nhiều quốc gia châu Âu cũng chuẩn bị công bố thoát khỏi đại dịch COVID-19 vào đầu tháng Tư này.

Ông Hans Kluge - Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực châu Âu cho rằng: "Châu Âu đang tiến dần đến kết thúc của đại dịch là hợp lý, không phải là kết thúc COVID-19 mà là kết thúc một đại dịch".

Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, trong một tuyên bố đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược ứng phó với đại dịch, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây tuyên bố, COVID-19 sẽ không còn kiểm soát cuộc sống của người dân Mỹ. Ông nói: "Nhờ những tiến bộ đạt được trong năm qua, COVID-19 không còn kiểm soát cuộc sống của chúng ta nữa. Nhưng tôi muốn nói rằng chúng ta sẽ tiếp tục chống lại virus như đối với các căn bệnh này, bởi virus vẫn đang đột biến và lây lan, chúng ta phải đề phòng".

Nhiều quốc gia không còn quá coi trọng số ca mắc mới - Ảnh 1.

COVID-19 sẽ không còn kiểm soát cuộc sống của người dân Mỹ.

Theo Tiến sĩ Daniel McQuillen, Chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Mỹ, COVID-19 đang trở thành một căn bệnh đặc hữu sẽ luôn đồng hành cùng chúng ta. Lưu hành không nhất thiết có nghĩa là nhẹ, nhưng có những dấu hiệu cho thấy với mức độ miễn dịch quần thể cao, mức độ nghiêm trọng của COVID-19 trở nên gần với mức độ nghiêm trọng của bệnh cúm theo mùa.

Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đầu tiên thay đổi cách tiếp cận đối với COVID-19, theo hướng coi đây là "bệnh lưu hành thông thường". Thay vì đếm trường hợp các ca bệnh mới, Singapore sẽ chỉ theo dõi số bệnh nhân COVID-19 nhập viện hoặc được điều trị trong các phòng chăm sóc đặc biệt.

Ông Paul Tambyah - Chủ tịch Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Truyền nhiễm châu Á - Thái Bình Dương nói: "Điều quan trọng không phải là ghi nhận mọi trường hợp không có triệu chứng. Chúng tôi theo dõi những người sắp chuyển nặng, những người có triệu chứng, chúng tôi cho họ nhập viện đúng cách và đảm bảo rằng họ được theo dõi chặt chẽ".

Theo ông Dale Fisher - Trường Y Yong Loo Lin, Singapore: "Chúng tôi không cố gắng chặn đứng lây truyền nữa. Vì vậy, chúng tôi không đưa ra những biện pháp để ngăn chặn, chúng tôi chấp nhận có sự lây lan, nhưng chúng ta được bảo vệ bằng cách tiêm chủng".

Bộ Y tế công cộng Thái Lan thì lên kế hoạch tuyên bố COVID-19 là một bệnh đặc hữu trong vòng 4 tháng tới với ba tiêu chí: Số ca mắc mới theo ngày dưới 10 nghìn ca; tỷ lệ tử vong không cao hơn 0,1% người nhiễm COVID-19 và hơn 80% người có nguy cao mắc COVID-19 đã được tiêm 2 liều vaccine.

Tiến tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu Tiến tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu Liệu đã có thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu? Liệu đã có thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu? Thủ tướng: Tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu Thủ tướng: Tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước