Tại Nepal, quốc gia có gần 2.000km đường biên giới với Ấn Độ, cơ chế qua lại giữa hai nước khá mở. Mối đe dọa từ "cơn sóng thần" COVID-19 vừa tàn phá Ấn Độ ngày càng rõ ràng. Bộ Y tế Nepal tuyên bố, đại dịch đã nằm ngoài tầm kiểm soát. Các đài hỏa táng thi thể bị quá tải, khiến nhiều thi thể phải hỏa táng ngay tại những địa điểm công cộng.
Chung cảnh ngộ với Nepal, Pakistan mới đây cũng cho biết, nước này đã dùng hết 90% lượng oxy dự trữ và họ đang phải đối mặt với một tình huống khẩn cấp.
Sự nguy nan cũng được ghi nhận tại Bangladesh khi số ca mắc COVID-19 tăng đột biến trong tháng 4/2021. Mặc dù số ca nhiễm mới không ở mức cao như Ấn Độ do dân số ít hơn nhưng hệ thống y tế tại các quốc gia Nam Á nhìn chung đều khá mỏng manh. Bên cạnh đó, nhiều nước cho tới nay vẫn chủ yếu dùng nguồn vaccine ngừa COVID-19 từ Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện Ấn Độ lại cắt nguồn cung để xử lý tình thế nguy cấp trong nước.
Pakistan đã dùng hết 90% lượng oxy dự trữ cho các bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: AP)
Tổ chức Y tế Thế giới mới đây cảnh báo, một tình huống tương tự như Ấn Độ đang là điều rất dễ xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Trong đó, các quốc gia Nam Á có dân số có thể không lớn như Ấn Độ nhưng lại là nơi tập trung nhiều đô thị với mật độ dân số rất cao, khiến sự sụp đổ của hệ thống y tế trở thành nguy cơ chực chờ.
Liên quan đến dịch COVID-19 tại Ấn Độ, mẫu biến chủng SARS-CoV-2, được phát hiện đầu tiên tại quốc gia này và đang đẩy Ấn Độ vào thảm kịch COVID-19, đang được gửi tới Anh để thử nghiệm tính hiệu quả của các loại vaccine như Pfizer và Moderna đối với biến chủng.
Theo cựu Giám đốc Trung tâm Sinh học tế bào và phân tử Ấn Độ, các loại vaccine đang được dùng ở nước này là Covishield và Covaxin đã được chứng minh có hiệu quả chống lại biến chủng B.1.617 ở Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ chưa thử được với các loại vaccine khác như Pfizer và Moderna vì không có quyền tiếp cận chúng. Những thử nghiệm kháng vaccine như vậy phải được thực hiện ngay ở các quốc gia khác. Do đó, Ấn Độ phải gửi gấp mẫu biến chủng và dự kiến sẽ tới Anh trong vài ngày tới. Hiện biến chủng từ Ấn Độ đã xuất hiện tại ít nhất 17 quốc gia. Nhiều nước đã áp hạn chế đi lại với Ấn Độ để đề phòng người dân có thể mang theo biến chủng B.1.617.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!