Sau gần một tuần mắc cạn trên kênh đào Suez, con tàu container khổng lồ Ever Given cuối cùng đã được giải cứu vào ngày 29/3. Dù công cuộc giải phóng hết số tàu tắc nghẽn trên kênh đào được dự báo có thể mất ít nhất 3 ngày nữa, tuy nhiên, các hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nay đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi một trong những tuyến vận tải biển quan trọng nhất thế giới sắp được thông thương.
Hàng tỷ USD lênh đênh trên biển
Bloomberg trước đó dẫn thống kê sơ bộ của Tạp chí tin tức vận chuyển Lloyd's List cho biết việc tàu Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez đã chặn đứng dòng vận chuyển hàng hóa có quy mô lên đến gần 10 tỷ USD mỗi ngày.
Trong đó, lưu lượng hàng hóa qua kênh đào Suez từ phía Tây mỗi ngày có trị giá 5,1 tỷ USD, còn lưu lượng hàng hóa từ phía Đông, trị giá 4,5 tỷ USD. Tính đến ngày 26/3, số lượng tàu chở hàng hóa và dầu thô đang xếp hàng chờ để băng qua kênh đào đã lên tới 185 chiếc. Khối lượng hàng hóa khổng lồ lênh đênh trên biển vô hình chung tạo ra áp lực lớn cho công việc giải cứu kéo dài trong nhiều ngày.
Sự cố trên kênh đào Suez chặn đứng dòng vận chuyển hàng hóa có quy mô lên đến gần 10 tỷ USD mỗi ngày (Nguồn: The Straits Times)
Việc trung bình có khoảng 1,74 triệu thùng dầu được vận chuyển qua kênh đào Suez mỗi ngày đẩy số phận 13 triệu thùng dầu thô lâm vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau sự cố mắc cạn. Những hãng vận tải đường biển lớn như Maersk đã buộc phải điều hướng nhiều tàu của mình theo lộ trình dài hơn qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi). Cách thức này khiến chi phí bị đội lên đáng kể do lịch trình di chuyển bị kéo dài thêm ít nhất 7 ngày. Theo Bloomberg, việc đi vòng về phía Nam có thể khiến cho một tàu chở dầu cỡ lớn từ Trung Đông tới châu Âu mất thêm 300.000 USD. Chi phí vận chuyển 1 container 40 feet từ Trung Quốc sang châu Âu cũng đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái do chuỗi cung ứng bị xáo trộn.
Ngay cả khi Suez được thông thương, Maerk ước tính việc lưu thông toàn bộ hàng trăm con tàu chờ qua eo biển cũng mất ít nhất từ 3-6 ngày. Theo Lloyd, có tới 90% số tàu hàng bị ảnh hưởng do không đăng ký bảo hiểm hoãn hủy lịch trình.
Tàu Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez (Nguồn: The Straits Times)
Ngoài hàng hóa, khoảng 130.000 con gia súc cũng phải chờ được giải cứu trên 11 con tàu đến từ Romania. Thời gian mắc kẹt quá lâu khiến không ít người lo ngại tình trạng khan hiếm nguồn thức ăn và nước uống dự trữ, dù các nhà chức trách Ai Cập đã gửi cỏ khô và 3 đội thú y tới kiểm tra sức khỏe cho đàn gia súc.
Kênh đào Suez hiện là một trong số những tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới, chiếm 12% hoạt động giao thương hàng hải trên toàn cầu. Nơi mang lại nguồn thu ngoại hối quan trọng cho Ai Cập gặp nạn khiến quốc gia này thiệt hại khoảng 14 đến 15 triệu USD mỗi ngày.
Nỗ lực giải cứu trong nhiều ngày
Cho đến nay, con tàu Ever Given đã nổi hoàn toàn trên mặt nước, sau những nỗ lực giải cứu không mệt mỏi. Đội nạo vét đã phải đào khoảng 27.000 m3 cát về phía hai bên bờ của kênh đào Suez, xuống độ sâu khoảng 18m.
Ngày 28/3, 2 tàu lai dắt của Ai Cập, có tên là Abdel Hamid Youssef và Mostafa Mahmoud được điều động tăng cường để tham gia cùng nhóm tàu cứu. Theo Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) ông Osama Rabie, 2 tàu lai dắt này có lực kéo lên tới 70 tấn.
2 tàu lai dắt của Ai Cập được điều động tăng cường để tham gia cùng nhóm tàu cứu (Nguồn: The Straits Times)
Đại diện hãng tàu Ever Given cho biết công tác cứu hộ sử dụng 10 tàu kéo trước đó vào đúng lúc thủy triều dâng diễn ra vô cùng khó khăn. Theo ông Toshiaki Fujiwara, Quản lý cấp cao của hãng sở hữu tàu Ever Given, các hoạt động nạo vét phải chờ đến nửa đêm ngày 28/3 mới được tiếp tục triển khai.
Tuy nhiên, đại diện công ty cứu hộ Hà Lan tham gia dịch chuyển con tàu khỏi kênh đào Suez vẫn cảnh báo "thách thức còn ở phía trước", ngay cả khi lực lượng cứu hộ đã dịch chuyển được một phần con tàu. "Tin tốt là đuôi tàu đã dịch chuyển nhưng thách thức vẫn còn ở phía trước, vì bạn thực sự phải di chuyển cả con tàu, với trọng lượng hàng hóa khổng lồ" - Peter Berdowski - Giám đốc điều hành công ty Boskalis cho biết.
Ngay sau khi giới chức Ai Cập tuyên bố đã giải cứu thành công con tàu Ever Given, cơ quan quản lý kênh đào Suez lại thông báo "con tàu đã trở về vị trí kẹt như cũ vì gió, tuy nhiên, tình hình không khó khăn và phức tạp như lần đầu tiên". Lần gây tắc nghẽn này được dự báo sẽ không nghiêm trọng và sớm được khắc phục.
Tàu Ever Given (Nguồn: Reuters)
Theo ông Rabie, 113 con tàu dự kiến sẽ có thể di chuyển qua kênh đào theo cả hai hướng vào sáng sớm nay. Người đứng đầu SCA này cũng cho biết thêm có 422 tàu hiện đang chờ đợi để sẵn sàng tiến vào kênh đào Suez. Tất cả tàu ùn ứ có thể đi qua Suez trong vòng 3-3,5 ngày tới.
Leth Agencies - nhà cung cấp dịch vụ tại Kênh đào Suez xác nhận tàu Ever Given đã di chuyển tới phía Bắc, tiến về Hồ Bitter để trải qua quá trình kiểm tra trong ít nhất 3 ngày. "Con tàu đã sẵn sàng cho công cuộc kiểm tra ban đầu. Không có container nào bị hư hại".
Lỗ hổng thương mại toàn cầu
Dù những gián đoạn do tắc nghẽn tại kênh đào Suez chỉ là tạm thời nhưng sự cố này đủ gióng lên hồi chuông nhắc nhở về những lỗ hổng thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng cồng kềnh, phức tạp.
Toàn cầu hóa đã gắn cả số phận của các nước vào những chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự phụ thuộc này đẩy nhiều doanh nghiệp đứng trước rủi ro lớn nếu kịch bản đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu lại một lần nữa xảy ra. Điều đó cho thấy một hệ thống thương mại toàn cầu thực sự đang phải đánh cược số phận của mình vào sự bình an của rất nhiều điểm nghẽn như kênh đào Suez, eo biển Hormuz, kênh đào Panama hay eo biển Malacca.
Sự cố kênh đào Suez đã bộc lộ những mắt xích còn yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như sự thiếu hụt trong nguồn cung tàu vận chuyển hàng hóa. "Đây là một sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu do dòng chảy hàng hóa bị tê liệt" - ông Guy Platten, Tổng Thư ký Phòng Vận tải biển Quốc tế nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện tích cực, sự cố trên kênh đào Suez chính là một phép thử cho bài toán xây dựng chuỗi cung ứng logistics đa dạng, bền vững vốn đã được đặt ra cho cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!