Theo báo cáo vào năm 2019 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), chỉ 15% gia đình ở Đông Nam Á có máy điều hòa không khí. Trong đó, khoảng 80% được lắp đặt ở Singapore và Malaysia, trong khi dưới 10% ở Indonesia và Việt Nam.
Các dự báo cho thấy số lượng máy điều hòa không khí ở Đông Nam Á có thể tăng từ 40 triệu chiếc vào năm 2017 lên 300 triệu chiếc trong năm 2040 do thời tiết ngày càng nóng hơn, trong khi người tiêu dùng có mức lương cao hơn. Thực tế này sẽ làm tăng công suất điện trong bối cảnh khó khăn hiện nay do mưa ít, sản lượng khí tự nhiên thấp…
Theo IEA, máy điều hòa không khí là nguồn thải ra khoảng 1 tỷ tấn CO2 mỗi năm trong tổng số 37 tỷ tấn khí thải trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các lựa chọn làm mát như điều hòa không khí là giải pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe con người, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất trước tác động của nhiệt độ cực cao như trẻ em, người già và một số nhất định người khuyết tật.
Thái Lan đã ghi nhận kỷ lục sử dụng điện trong những tuần gần đây khi người dân ở trong nhà nghỉ ngơi hoặc làm việc.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, châu Á là khu vực ấm lên nhanh hơn so với mức trung bình toàn cầu, với xu hướng tăng nhiệt gần gấp đôi kể từ giai đoạn 1961 - 1990.
Năm 2023, hàng chục quốc gia đã tham gia Cam kết Làm mát toàn cầu của Liên hợp quốc nhằm cải thiện hiệu quả của máy điều hòa không khí và giảm khí thải từ mọi hình thức làm mát. Một số nước đã cố gắng giảm tác động của việc làm mát trong nhiều năm.
Từ năm 2005, Nhật Bản đã khuyến khích nhân viên văn phòng không đeo cà vạt và áo vest để có thể bật máy điều hòa nhiệt độ ở mức 28oC. Chương trình "Cool Biz" hàng năm mang ý nghĩa mới trong thời kỳ thiếu điện trong năm 2011 sau khi các nhà máy hạt nhân đóng cửa sau thảm họa động đất - sóng thần tại Fukushima.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!