Tuy nhiên, điều trớ trêu là máy điều hòa chạy bằng điện, mà một trong những nguồn phát điện phổ biến nhất là đốt nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta càng sử dụng nhiều năng lượng cho điều hòa nhiệt độ, thì càng có nhiều nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy, giải phóng nhiều nhiệt hơn và khí CO2 hơn, làm cho Trái đất trở nên ấm hơn. Và khi đó, những ngày nắng nóng sẽ càng nóng hơn, buộc chúng ta phải sử dụng điều hòa nhiều hơn. Một vòng lặp đi lặp lại.
Nghiên cứu tại Ấn Độ, nơi có hơn 80% dân số chưa được sử dụng điều hòa nhiệt độ, cho thấy lượng khí thải CO2 ít hơn nhiều so với những quốc gia như Mỹ - nơi cứ 10 người thì có 9 người được tiếp cận với điều hòa nhiệt độ.
Một trong những chất làm lạnh phổ biến nhất được sử dụng trong máy điều hòa, chất hydro fluoro carbon (HFC) - tuy không phá hủy tầng ozon, nhưng lại có khả năng làm nóng toàn cầu gấp 1.000 lần khí CO2. Các nhà khoa học ước tính, nếu con người không giảm sự phụ thuộc vào chất HFC có thể dẫn đến nhiệt độ toàn cầu nóng lên nửa độ C vào cuối thế kỷ này - góp phần làm gia tăng bão lũ, hạn hán và nhiều đợt nắng nóng.
Do đó, để vẫn có thể sử dụng điều hòa hiệu quả, tốt cho sức khỏe và môi trường, chuyên trang công nghệ CNET đưa ra lời khuyên: nên để mức nhiệt điều hòa thấp hơn 7 độ so với nhiệt độ ngoài trời, đảm bảo rèm che ánh nắng trực tiếp vào nhà và sử dụng đồng thời cả quạt trần và điều hòa có thể giúp bạn cảm thấy mát hơn mà không cần hạ thấp mức nhiệt trên điều hòa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!