Nhân viên cứu trợ phát các túi bột mì trong quá trình phân phát hàng viện trợ nhân đạo ở thành phố Gaza vào ngày 17/3/2024. (Ảnh: AFP)
Cuộc đánh giá hôm 19/3 diễn ra sau khi một báo cáo do Liên hợp quốc hậu thuẫn cho thấy nạn đói tại Dải Gaza - vùng đất bị bao vây với 2,3 triệu dân - có thể xảy ra vào tháng 5, trừ khi giao tranh trong cuộc xung đột Israel - Hamas kéo dài trong hơn 5 tháng qua chấm dứt và lượng hàng viện trợ tới dải đất này tăng lên nhanh chóng.
"Mức độ tiếp tục hạn chế của Israel trong việc đưa hàng viện trợ vào Gaza cùng với cách nước này tiếp tục tiến hành các hoạt động thù địch có thể dẫn đến việc sử dụng nạn đói như một công cụ chiến tranh - đây là một tội ác chiến tranh", Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk tuyên bố.
Người phát ngôn của ông Volker Turk - Jeremy Laurence - nói với các phóng viên ở Geneve (Thụy Sĩ) rằng quyết định cuối cùng về việc liệu nạn đói có được sử dụng làm vũ khí chiến tranh hay không sẽ do tòa án quốc tế quyết định.
Trong khi các cơ quan viện trợ cáo buộc Israel về cuộc khủng hoảng do nước này phong tỏa Gaza, Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết họ đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp hàng viện trợ. Israel cho rằng Liên hợp quốc và các tổ chức cứu trợ có lỗi về số lượng và tốc độ chuyển hàng viện trợ.
Khoảng 1,1 triệu người ở Gaza phải hứng chịu nạn đói "thảm khốc". (Ảnh: AP)
"Israel - với tư cách là cường quốc chiếm đóng - có nghĩa vụ đảm bảo cung cấp lương thực và chăm sóc y tế cho người dân tương xứng với nhu cầu của họ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức nhân đạo để cung cấp sự hỗ trợ đó", ông Turk nói trong một tuyên bố do người phát ngôn của ông đưa ra.
Báo cáo Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) của Liên hợp quốc được công bố hôm 18/3 cho biết tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu lương thực có thể đã vượt quá mức nạn đói ở miền Bắc Gaza và các trường hợp tử vong liên quan đến nạn đói có thể sẽ sớm xảy ra. Báo cáo cho thấy cuộc chiến đã khiến khoảng một nửa số người Palestine ở Gaza (khoảng 1,1 triệu người) phải hứng chịu nạn đói "thảm khốc".
Jens Laerke - người phát ngôn Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) - nói với các phóng viên ở Geneve rằng cơ quan này lo ngại rằng nếu không hành động, "bạn sẽ chứng kiến hơn 200 người chết vì đói mỗi ngày (ở Dải Gaza)".
Ông Turk tuyên bố cuộc khủng hoảng này là "do con người tạo ra" và "hoàn toàn có thể phòng ngừa được".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!