Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu nới lỏng lệnh đóng cửa, giãn cách xã hội sau khi dịch COVID-19 bắt đầu lắng dịu. Một số nước châu Âu đang cân nhắc việc mở cửa trở lại biên giới với hy vọng có thể đón dòng khách du lịch mùa hè, bù đắp cho những tổn thất rất lớn của ngành du lịch trong thời gian dịch bệnh vừa qua.
Dưới đây là một số nước châu Âu đang lên kế hoạch cho mùa du lịch mùa hè này:
Đức
Hôm thứ Tư, Bộ Nội vụ Đức cho biết một số cửa khẩu biên giới với các nước láng giềng như Áo, Thụy Sỹ và Pháp sẽ bắt đầu mở cửa từ thứ Bảy này, tuy nhiên vẫn duy trì các biện pháp an toàn nghiêm ngặt. 15 tháng 6 tới đây sẽ là ngày Đức gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới để toàn bộ người dân trong khối EU có thể tự do đi lại.
Còn với bên ngoài EU, chính phủ Đức vẫn duy trì cảnh báo về việc du lịch cho đến tháng 6. Giới chức Đức cũng chưa có thông báo gì về việc cho phép đón khách du lịch quốc tế trở lại quốc gia này.
Quảng trường Marienplatz, Munich
Các nhà hàng Bia nổi tiếng tại Đức đã được mở cửa trở lại - Ảnh: DW
Áo
Chính phủ Áo đã ấn định ngày 15/6 tới đây sẽ mở lại biên giới với các nước nội khối EU. Các quan chức của nước này cũng cho biết, Áo mở biên giới, cho phép người Đức vào nước này từ hôm nay 15/5. Động thái được cho là sẽ hỗ trợ cho ngành du lịch. Những tour leo núi Alps tại Áo vốn thu hút rất đông khách du lịch Đức.
Chính phủ Áo kì vọng sẽ đạt được thỏa thuận mở cửa biên giới sớm tương tự với Thụy Sỹ và một vài nước láng giềng khác. Nhà chức trách Áo cũng cho biết sẽ lập những chốt kiểm tra sức khỏe ngẫu nhiên đối với người nước ngoài tới quốc gia này.
Các khu du lịch trượt tuyết của Áo rất nổi tiếng tại châu Âu - Ảnh: DW
Pháp
Pháp và Anh đã có thỏa thuận cho phép người dân qua lại mà không cần cách ly 14 ngày, đây được coi là biện pháp hỗ trợ kinh tế cần thiết, vì lượng phương tiện lớn vận chuyển hàng hóa đi lại giữa hai nước.
Khách từ Thụy Sỹ đến Pháp cũng sẽ được miễn cách ly 14 ngày. Pháp vẫn sẽ đóng cửa biên giới cho đến ngày 15/6, ngoại trừ những người cần phải ra vào thường xuyên để làm việc.
Các điểm du lịch tại Paris, Pháp thưa vắng vì dịch COVID-19 - Ảnh:https://kids.nationalgeographic.com
Thủ đô Paris nhìn từ trên cao
Italy
Về mặt kĩ thuật thì Italy chưa từng ra lệnh đóng cửa biên giới mặc dù là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Đến nay Italy vẫn triển khai những biện pháp chống dịch rất nghiêm ngặt tại các sân bay.
Du lịch là thành tố quan trọng của nền kinh tế Italy. Italy là quốc gia có lượng khách du lịch nhiều thứ năm trên thế giới. Ngành du lịch chiếm 10% GDP và tạo ra gần 5% cơ hội việc làm cho người dân.
Ngành du lịch chiếm 10% GDP nền kinh tế Italy - Ảnh: goteamjosh.com
Dòng sông Arno ở Florence
Tây Ban Nha
Kinh tế Tây Ban Nha cũng phụ thuộc rất nhiều vào khách du lịch quốc tế. Xứ sở bò tót đã mở cửa trở lại biên giới nhưng vẫn yêu cầu bắt buộc khách nhập cảnh phải tự cách ly 14 ngày.
Quy định có hiệu lực từ ngày hôm nay và kéo dài cho đến khi chấm dứt tình trạng khẩn cấp. Hiện tại tình trạng khẩn cấp được duy trì đến ngày 24/5 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục được gia hạn.
Tây Ban Nha đã mở cửa đón khách du lịch trở lại - Ảnh: Getty
Tây Ban Nha có rất nhiều cảnh đẹp. (Ảnh: https://www.freepik.es)
(Ảnh: https://www.freepik.es)
Bồ Đào Nha
Bồ Đào Nha cũng là một thỏi nam châm hút khách quốc tế. Giới chức Bồ Đào Nha khẳng định các bãi biển và khách sạn ở đất nước này sẽ sẵn sàng đón khách du lịch trở lại từ giữa tháng 6.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều lo ngại về việc khách nhập cảnh sẽ được xét nghiệm virus Sars-CoV-2 như thế nào hay cơ quan chức năng sẽ kiểm soát giãn cách xã hội ra sao trên các bãi biển?Việc hủy bỏ hoàn toàn mùa du lịch năm nay có thể khiến nền kinh tế của Bồ Đào Nha thiệt hại 6%.
Tàu điện là "đặc sản" của thủ đô Lisbon
Hy Lạp
Hy Lạp là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vì COVID-19 thấp nhất châu Âu. Kết quả này có được là nhờ chính phủ Hy Lạp thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ sớm và rất quyết liệt.
Ở một vài thời điểm và khu vực nhất định, người dân Hy Lạp tuyệt đối không được ra khỏi nhà, chính quyền chuyển nhu yếu phẩm đến tận nơi cho người dân. Có lẽ nhờ vậy mà quốc gia này vượt qua dịch bệnh nhanh hơn những người hàng xóm tại châu Âu. Tuy nhiên, chính phủ Hy Lạp vẫn đang cân nhắc rất kĩ các phương án mở cửa lại biên giới.
Theo kế hoạch hiện tại thì Hy Lạp dự định mở 6 cửa biên giới phía Bắc để đón khách du lịch trong khối Liên minh châu Âu. Hy Lạp cũng kiến nghị Ủy ban châu Âu công bố hướng dẫn chính thức cho các nước thành viên về cách ứng phó với nguy cơ dịch bệnh lây lan, khi châu Âu bước vào mùa du lịch hè.
Santorini là địa danh thu hút khách du lịch đặc biệt của Hy Lạp
Hình ảnh đặc trưng ở Santorini
Iceland
Mặc dù không phải thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhưng một khi có thị thực Schengen thì bạn vẫn có thể tới Iceland. Chính vì vậy miền đất này là điểm đến ưa thích của khách du lịch khi tới lục địa già. Chính phủ Iceland cho biết sẽ nới lỏng quy định, cho phép khách quốc tế trở lại từ ngày 15 tháng 6 tới. Khách du lịch quốc tế khi đặt chân tới Iceland sẽ phải lựa chọn xét nghiệm Sars-CoV-2 tại chỗ hoặc cách ly 14 ngày trước khi được tự do ghé thăm các địa danh nơi đây.
Người nước ngoài đến với mục đích công việc, ví dụ như các nhà khoa học, có thể sẽ được miễn thủ tục nói trên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!