Niger đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc men nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt do Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) áp đặt nhằm đáp trả cuộc đảo chính hồi tháng 7 ở nước này, hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin hôm 18/9, dẫn lời một quan chức của Bộ Y tế Niger.
Ibrahim Sule, Tổng Thư ký Bộ Y tế Niger, nói với RIA Novosti rằng nước này đang cạn kiệt thuốc kháng sinh cũng như thuốc điều trị ung thư, tiểu đường và bệnh tim mạch.
"Các sản phẩm dược phẩm đến Niger bị trì hoãn tại cảng Cotonou (ở Benin) hoặc ở biên giới, với hơn 60 container đang bị chặn lại ở đó, trị giá khoảng 4 tỷ CFA Franc (khoảng 1,6 triệu USD)", RIA Novosti dẫn lời của ông Ibrahim Sule.
Chính quyền quân sự ở Niger đã phải hứng chịu lệnh trừng phạt của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) kể từ khi các binh sĩ thuộc lực lượng cận vệ tổng thống phế truất Tổng thống Emmanuel Bazoum vào ngày 26/7.
Khối ECOWAS hạn chế giao dịch tài chính và cấm các quốc gia thành viên khác vào quốc gia giàu uranium này, qua đó gây áp lực cho những kẻ âm mưu đảo chính nhằm khôi phục trật tự dân chủ ở Niger.
Tháng 8, hàng nghìn xe tải chở thực phẩm đến quốc gia Tây Phi này được cho là đã bị mắc kẹt trong nhiều tuần tại cửa khẩu Malanville ở miền Bắc Benin do biên giới đóng cửa.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) trước đó đã cảnh báo rằng lệnh phong tỏa ảnh hưởng "rất lớn" đến việc cung cấp thực phẩm "quan trọng" và vật tư y tế vào Niger.
Djaounsede Madjiangar, người phát ngôn của WFP ở khu vực Tây Phi, tuyên bố, khoảng 6.000 tấn hàng hóa từ cơ quan này, bao gồm cả thực phẩm cho trẻ em suy dinh dưỡng, đã bị kẹt bên ngoài thủ đô Niamey.
Trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti hôm 18/9, Tổng Thư ký Bộ Y tế Nigeria nhận định, các lệnh trừng phạt của ECOWAS đối với Niger đã vi phạm hiệp ước của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Ông Sule nói: "Chúng tôi lên án quan điểm của ECOWAS, vì chưa có tình huống chính trị nào dẫn đến các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt như vậy đối với các hàng hóa nhân đạo".
Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, chính quyền quân sự ở Niger đã nghiên cứu khả năng chuyển hướng sang các kênh cung cấp khác và đang đàm phán với chính phủ các nước "thân thiện" như Burkina Faso, Guinea, Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!