Nới lỏng phòng dịch - xu hướng chủ đạo tại châu Âu

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 23/02/2022 07:10 GMT+7

VTV.vn - Ở phạm vi châu Âu, nới lỏng phòng dịch đang là xu hướng chủ đạo, khi các quy định chống dịch căn cứ trên ca nhiễm đã không còn được nhiều nước sử dụng.

Anh dỡ bỏ hoàn toàn các quy định phòng dịch từ 24/2

Anh vừa công bố kế hoạch gần nhất với cuộc sống bình thường trước COVID-19. Mọi biện pháp hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ, người dương tính không bắt buộc phải cách ly.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố kế hoạch của chính phủ về sống chung với COVID-19, theo đó sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế phòng dịch trong nước ngay từ ngày 24/2.

"Từ Thứ Năm tới, ngày 24/2, chúng ta sẽ chấm dứt yêu cách ly bắt buộc đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính. Chúng ta cũng sẽ chấm dứt việc truy vết và không yêu cầu những người tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19 phải xét nghiệm hàng ngày trong 7 ngày nếu như họ đã tiêm chủng đầy đủ. Những người tiếp xúc gần cũng không cần phải tự cách ly".

Với việc dỡ bỏ mọi hạn chế phòng dịch, đeo khẩu trang, kể cả trên các phương tiện giao thông công cộng, giờ đây không còn là quy định bắt buộc. Thay vào đó, các doanh nghiệp và cá nhân sẽ tự quyết định cách tiếp cận phòng dịch, đồng nghĩa với việc các rạp hát và cửa hàng vẫn có thể yêu cầu nhân viên và khách hàng đeo khẩu trang. Tuy vậy, Chính phủ Anh vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục đeo khẩu trang trong không gian kín và đông người.

Nới lỏng phòng dịch - xu hướng chủ đạo tại châu Âu - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố kế hoạch sống chung với COVID-19

Từ ngày 1/4, Anh cũng hủy bỏ yêu cầu hộ chiếu vaccine. Việc xét nghiệm hai lần một tuần cho nhân viên và học sinh không triệu chứng ở hầu hết các cơ sở giáo dục và chăm sóc trẻ em, cũng như việc xét nghiệm hàng loạt tại trường học sẽ kết thúc từ ngày 1/4.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói thêm: "COVID sẽ không đột nhiên biến mất. Vì vậy, những người chờ đợi cuộc chiến này kết thúc hoàn toàn rồi mới dỡ bỏ các quy định còn lại sẽ hạn chế quyền tự do của người dân Anh trong một thời gian dài sắp tới. Chính phủ Anh không tin rằng điều đó là đúng hoặc cần thiết. Các hạn chế đã gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, xã hội, sức khỏe tinh thần của chúng ta và cơ hội sống của con cái chúng ta, và chúng ta không cần phải chịu thiệt hại này nữa".

Chính phủ Anh sẽ tiếp tục duy trì chương trình tiêm chủng trong tương lai, đảm bảo nguồn cung vaccine có thể chống lại nhiều biến thể trong một mũi tiêm, hiện đang trong quá trình thử nghiệm. Bắt đầu từ tháng tới, những người từ 75 tuổi trở lên và những người dễ bị tổn thương sẽ được tiêm mũi vaccine thứ tư.

Nới lỏng phòng dịch - xu hướng chủ đạo tại châu Âu - Ảnh 2.

Italy và Tây Ban Nha không còn yêu cầu người dân đeo khẩu trang ngoài trời.

Nhiều nước dỡ bỏ tất cả các hạn chế phòng dịch

Đầu tháng 2 này, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên tại châu Âu dỡ bỏ tất cả các hạn chế phòng dịch COVID-19. Sau đó, Thụy Điển, Na Uy cũng có động thái tương tự.

Dù số ca nhiễm vẫn ở mức cao, nhưng vaccine đã giúp giảm số ca nhập viện. Như tại Đan Mạch và Na Uy, số bệnh nhân COVID-19 tại các khoa điều trị tích cực chỉ bằng 23% mức đỉnh vào mùa Đông năm ngoái.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết: "Tôi đã có 26 cuộc họp báo về dịch bệnh, cuộc họp nào cũng nghiêm trọng và khó khăn. Nhưng hôm nay thì có thể thư giãn và nở nụ cười, chúng ta có thể dỡ bỏ những biện pháp phòng dịch cuối cùng".

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson: "Với sự hiểu biết ngày càng cao về căn bệnh này, áp lực đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ tiêm chủng đã tăng mạnh, điều này cho phép chúng ta chấm dứt giãn cách xã hội".

Nới lỏng phòng dịch - xu hướng chủ đạo tại châu Âu - Ảnh 3.

Thủ tướng Thụy Điển cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng đã tăng mạnh, điều này cho phép chúng ta chấm dứt giãn cách xã hội.

Tại châu Âu, Italy và Tây Ban Nha không còn yêu cầu người dân đeo khẩu trang ngoài trời. Thụy Sĩ không còn yêu cầu trình giấy chứng nhận tiêm chủng, khỏi bệnh COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính đối với du khách nhập cảnh nước này. Áo và Đức sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế còn lại liên quan đến đại dịch COVID-19 vào tháng 3 tới.

Theo ông Hans Kluge - Giám đốc Khu vực châu Âu của WHO: "Châu Âu đang có một cơ hội hiếm có để kiểm soát sự lây nhiễm COVID-19. Cơ hội đó dựa trên 3 yếu tố gồm mức độ miễn dịch cao do tiêm chủng và lây nhiễm tự nhiên, xu hướng lây lan của virus ít hơn khi thời tiết ấm lên và biến thể Omicron có mức độ nghiêm trọng thấp hơn".

Theo thống kê của Anh, hiện COVID-19 không nguy hiểm hơn đáng kể so với bệnh cúm. Khi bắt đầu đại dịch, COVID-19 gây chết người cao gấp 10 lần so với cúm mùa, nhưng phân tích hiện tại ghi nhận, cả hai căn bệnh gây ra tỷ lệ tử vong tương đương nhau.

Hiện tại thì mối lo vẫn là sự xuất hiện của biến chủng mới. Bên cạnh đó còn là câu chuyện bất bình đẳng vaccine. Hầu hết các nước phát triển đã tiêm chủng được 60-70% dân số, trong khi tỷ lệ này ở các nước có thu nhập thấp chỉ 5,5%. Thế giới chỉ an toàn khi mọi khu vực đều an toàn.

Anh nới lỏng phòng dịch dù tỷ lệ mắc cao kỷ lục Anh nới lỏng phòng dịch dù tỷ lệ mắc cao kỷ lục Hàn Quốc nới lỏng các hạn chế phòng dịch, hướng tới “sống chung với COVID-19” Hàn Quốc nới lỏng các hạn chế phòng dịch, hướng tới “sống chung với COVID-19” Thành phố giãn cách lâu nhất thế giới chuẩn bị nới lỏng hạn chế phòng dịch Thành phố giãn cách lâu nhất thế giới chuẩn bị nới lỏng hạn chế phòng dịch

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước