Nhiều nước châu Âu nới lỏng biện pháp phòng dịch: “Bài thuốc thử” liệu có thành công?

Chuyển động 24h-Thứ sáu, ngày 28/01/2022 11:27 GMT+7

VTV.vn - Tỷ lệ tiêm vaccine cao, tỷ lệ nhập viện điều trị COVID-19 giảm hoặc ổn định ở mức thấp là lý do nhiều nước châu Âu quyết định nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Hàng loạt nước châu Âu nới lỏng biện pháp hạn chế COVID-19

Sự lây lan của biến thể Omicron đang dẫn đến hai xu hướng chống dịch trên thế giới. Mặc dù số ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại cả châu Âu và châu Á, nhưng trong khi châu Á hướng tới siết chặt các biện pháp hạn chế COVID-19, châu Âu lại có xu hướng nới lỏng. Trong những ngày này, nhiều nước châu Âu đã quyết định hoặc chuẩn bị kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch tùy theo từng cấp độ. Trong đó Anh, Hà Lan, Đan Mạch là những nước dẫn đầu xu hướng này.

Bắt đầu từ ngày 27/1, những quy định phòng dịch COVID-19 gồm đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, xét nghiệm bắt buộc và hộ chiếu vaccine đã được dỡ bỏ tại Anh. Theo nhận định của các chuyên gia y tế cố vấn cho Chính phủ Anh, biến thể Omicron có thể dễ lây lan hơn, nhưng dữ liệu cho thấy, chủng virus này không khiến bệnh trở nên quá nghiêm trọng. Hiện vẫn phải chờ xem liệu virus có tạo ra các biến chứng COVID-19 kéo dài hay không. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, nhìn chung giờ đây tình hình đã lạc quan hơn so với các biến thể trước đó, đặc biệt là với mức độ bao phủ vaccine hiện nay và chương trình tiêm tăng cường gần đây.

Tất nhiên, Cơ quan An ninh Y tế Anh lưu ý, người dân vẫn cần bắt đầu cuộc sống bình thường mới một cách thận trọng. Và hành vi của người dân Anh trong 4 tuần tới sẽ quyết định liệu số ca mắc mới COVID-19 sẽ tăng hay giảm.

Cũng trong tuần này, Hà Lan đã dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế được cho là siết chặt nhất ở châu Âu. Các quán bar, nhà hàng có thể mở cửa trở lại phục vụ khách hàng có giấy chứng nhận tiêm chủng nhưng phải giảm công suất hoạt động. Rạp chiếu phim, rạp hát và viện bảo tàng cũng sẽ được mở cửa trở lại, nhưng các câu lạc bộ đêm vẫn phải đóng cửa. Quy định cách ly đối với trường học được nới lỏng. Lớp học không còn phải đóng cửa nếu có từ 3 người mắc COVID-19 trở lên và người dưới 18 tuổi không còn phải cách ly sau khi tiếp xúc với F0.

Cách đây hai tuần, Chính phủ Đan Mạch đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế phòng dịch. Không dừng lại ở đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đan Mạch đã đề xuất không liệt COVID-19 vào loại bệnh nguy hiểm cho xã hội kể từ ngày 1/2, qua đó kiến nghị dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế trong nước như đeo khẩu trang hay yêu cầu các các quán bar và nhà hàng đóng cửa sớm.

Cả ba nước Anh, Hà Lan, Đan Mạch đều có tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ các liều vaccine cơ bản ở mức trên 70%.

Nhiều nước châu Âu nới lỏng biện pháp phòng dịch: “Bài thuốc thử” liệu có thành công? - Ảnh 1.

Người dân ở nhiều nước châu Âu vẫn cần bắt đầu cuộc sống bình thường mới một cách thận trọng. (Ảnh: AP)

Cơ sở để châu Âu nới lỏng hạn chế phòng dịch

Bất chấp làn sóng biến thể Omicron đang khiến số ca nhiễm tăng kỷ lục ở các nước châu Âu, giới chức và chuyên gia y tế của nhiều nước như Pháp, Đức, Bỉ, Đan Mạch hay Hà Lan nhận định, tình hình có thể kiểm soát được khi xu hướng lần bùng dịch này đã có sự khác biệt so với những đợt trước đó. Số ca nhập viện, tăng nặng cần chăm sóc đặc biệt và tử vong ở các quốc gia châu Âu không tăng theo đà lây nhiễm. Những bệnh nhân mắc COVID-19 cần chăm sóc đặc biệt chỉ bằng một nửa so với các làn sóng dịch trước và con số này cũng giảm gần một nửa kể từ đầu tháng 1. Với số liệu thực tế trên, việc quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế thậm chí có nguy cơ làm tổn hại sức khỏe cộng đồng và xã hội. Do đó, những nước này đều quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Trước việc nhiều nước châu Âu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế COVID-19, người dân đã có những phản ứng khác nhau.

WHO cảnh báo nguy cơ xuất hiện biến thể mới lây lan cao hơn Omicron

Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới Hans Kluge mới đây đã có nhận định gây ngạc nhiên, theo đó biến thể Omicron khiến đại dịch COVID-19 bước vào một giai đoạn mới và có thể dẫn đến sự kết thúc đại dịch ở châu Âu. Theo ông Hans Kluge, nguyên nhân là do sau khi Omicron làm lây nhiễm hơn 50% dân số châu Âu, đa phần người dân sẽ có khả năng miễn dịch nhờ kháng thể sau khi mắc bệnh hoặc tiêm vaccine.

Tuy nhiên, thế giới không nên chủ quan vì nhiều khả năng sẽ có những biến thể mới nguy hiểm hơn, lây lan mạnh hơn Omicron xuất hiện trong thời gian tới.

Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO dự báo, biến thể tiếp theo của virus SARS-CoV-2 sẽ có khả năng lây lan cao hơn nữa vì chúng phải "vượt mặt" các biến thể đang hoành hành hiện nay. WHO cho rằng, không nên xuôi theo giả thuyết virus sẽ tiếp tục biến đổi thành các chủng nhẹ hơn khiến con người ít mắc COVID-19 nặng hơn so với các biến thể trước đó do hiện chưa có các nghiên cứu đầy đủ chứng minh điều này. Bên cạnh đó, một đợt bùng phát dịch COVID-19 khác liên quan tới biến thể mới cũng có thể né tránh "rào chắn" kháng thể được tạo ra từ việc tiêm vaccine, từ đó khiến các loại vaccine hiện có giảm hiệu quả phòng bệnh. Chính vì vậy, WHO nhấn mạnh, người dân vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn.

Hàn Quốc, Nhật Bản có số ca mắc mới cao kỷ lục, châu Âu với xu hướng nới lỏng biện pháp hạn chế Hàn Quốc, Nhật Bản có số ca mắc mới cao kỷ lục, châu Âu với xu hướng nới lỏng biện pháp hạn chế Châu Âu và xu hướng sống chung với COVID-19 Châu Âu và xu hướng sống chung với COVID-19 Chủng phụ của biến thể Omicron dễ lây lan hơn nhưng không nghiêm trọng hơn Chủng phụ của biến thể Omicron dễ lây lan hơn nhưng không nghiêm trọng hơn

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước