Những gò đất như vậy được gọi là núi sinh mệnh. Người dân địa phương kể rằng, núi sinh mệnh đã cứu sống rất nhiều người vào mùa mưa bão, là biểu tượng chống chọi với thiên tai từ thời ông cha.
Gò đất có tên là Inochiyama, tức là núi sinh mệnh được xây dựng tại thị trấn Fukui, tỉnh Shizuoka, là một trong số ít công trình chống bão còn sót lại. Người dân địa phương kể rằng, vào những năm 1680, khi một cơn bão được cho là lớn nhất thời kỳ Edo đổ vào khu vực này, khoảng 300 người dân của thị trấn đã chết bởi thủy triều dâng cao. Cũng sau năm đó, người dân đã xây các gò đất cao và thực tế đã cứu sống được rất nhiều người, nên được đặt tên là núi sinh mệnh.
Hiện tại thị trấn Fukui đã xây dựng thêm 4 núi sinh mệnh mới như là nơi lánh nạn của người dân thị trấn. Tại những vùng dân cư thấp thì có những đụn đất cao, ở trên có cả lương khô, đồ ăn thức uống cho những người đến lánh nạn.
Núi sinh mệnh mới lớn nhất có diện tích là hơn 6.000m2, cao 7,2m so với mặt đất và có thể đảm bảo trú ẩn cho 1.300 người. Đồ ăn khô, nước uống và phương tiện cứu nạn được dự trữ dưới các hàng ghế ngồi. Hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời.
Ông Nakamura Tomokazu - Phòng Quản lý xây dựng, Thị trấn Fukui, Shizuoka cho biết: "Đây là nơi chúng tôi đang trồng rừng thông, từ giờ đến cuối năm sẽ hoàn thành được 50% công việc. Khu vực này không chỉ là nơi lánh nạn, mà còn để người dân địa phương đến đây thư giãn, nghỉ ngơi. Mọi người có thể cùng nhau nói chuyện, nơi vui chơi của trẻ nhỏ".
Núi sinh mệnh, một số nơi còn gọi là núi cứu hộ là bài học chống bão lũ của tổ tiên, nhưng được nhiều địa phương gia cố để áp dụng cả chống sóng thần, nhất là sau trận động đất sóng thần phía đông Nhật Bản vào năm 2011.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!