Theo thống kê, trong 24 giờ qua, Thái Lan đã đo được hơn 4.000 điểm nóng về ô nhiễm tại miền Bắc Thái Lan. Đây là hậu quả của việc nông dân đốt ruộng mía và ruộng ngô sau thu hoạch để chuẩn bị cho đợt canh tác tiếp theo.
Hiện Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã yêu cầu các cơ quan liên quan hành động nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí đối với người dân, trong đó có việc trừng phạt nghiêm khắc thủ phạm của các vụ đốt rừng và chất thải nông nghiệp.
Chất lượng không khí xuống cấp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe có thể là nguyên nhân khiến nhiều du khách từ chối đến với xứ sở chùa vàng vào thời điểm du lịch đẹp nhất trong năm này.
Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ triển khai các biện pháp mạnh tay hơn, bao gồm áp đặt lệnh giới nghiêm ở một số khu vực, nhằm đối phó với tình trạng đốt rừng và chất thải nông nghiệp đang lan rộng tại các tỉnh miền Bắc và Đông Bắc nước này, gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng trên diện rộng.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Varawut Silpa-archa hôm 27/3 cảnh báo, Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc áp đặt lệnh giới nghiêm nếu người dân vẫn tiếp tục đốt chất thải nông nghiệp và gây ra các đám cháy rừng. Theo ông Varawut, Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan đã huy động hơn 1.000 người để khống chế các đám cháy tại các vườn quốc gia, đồng thời triển khai máy bay trực thăng thực hiện khoảng 100 chuyến bay mỗi ngày để hỗ trợ công tác dập lửa. Khoảng 80% các vụ cháy xảy ra trong các khu bảo tồn và rừng quốc gia, trong khi 15% là trên đất nông nghiệp.
Miền Bắc Thái Lan tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng ô nhiễm thế giới vào ngày 27/3, với tỉnh Chiang Mai ghi nhận mức bụi mịn PM2.5 là 287 microgam/m3 khí, giữ vị trí là thành phố ô nhiễm nhất thế giới dựa trên chỉ số IQAir toàn cầu. Giới hạn an toàn của Thái Lan đối với chỉ số PM2.5 (tình trạng ô nhiễm bụi mịn liên quan đến tử vong sớm do các bệnh về tim, phổi) là microgam/m3.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!