Dù cam kết sẽ đảm bảo an toàn sức khoẻ cộng đồng một cách tối đa, người dân Nhật Bản vẫn phản đối kịch liệt việc tổ chức Thế vận hội mùa hè năm nay. (Nguồn: Reuters)
Olympic Tokyo dự kiến khai mạc vào ngày 23/7 sau một năm trì hoãn vì dịch bệnh. Tuy nhiên, ban tổ chức sự kiện này đang phải đối mặt với sóng gió từ dư luận trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản tiếp tục diễn biến phức tạp và số ca mắc mới ghi nhận theo ngày vẫn còn ở mức cao.
Niềm tin vào một Thế vận hội suôn sẻ
Trong cuộc họp báo ngày 13/5, ông Mark Adams, người phát ngôn Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) Mark Adams bày tỏ tin tưởng rằng Olympic Tokyo sẽ là sự kiện "lịch sử", bất chấp dư luận phản đối việc tổ chức sự kiện này.
Bên cạnh đó, các nhà tổ chức Olympic Tokyo cũng nhất trí với Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) sẽ cố gắng đơn giản hóa khâu tổ chức nhằm đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ dịch COVID-19 lây lan, cũng như giảm bớt tác động tài chính khi sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này đã phải hoãn lại 1 năm và đặc biệt, sẽ không có khán giả nước ngoài được phép vào các địa điểm thi đấu theo dõi các cuộc tranh tài.
Người hâm mộ đã luôn là chất xúc tác không thể thiếu của các môn thể thao trên toàn thế giới. Sự căng thẳng và náo nhiệt của bầu không khí luôn cho các cầu thủ, vận động viên những động lực để thi đấu hết mình trong tiếng cổ vũ của khán giả, đó là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh chưa có tín hiệu hạ nhiệt, đây là điều bắt buộc phải thực hiện nếu vẫn muốn giải đấu được diễn ra an toàn.
Hàng loạt ghế khán đài trống trơn với các đánh dấu giãn cách xã hội trong ngày thứ hai của cuộc rước đuốc Thế vận hội Olympic tại Fukushima. (Nguồn: AFP)
Chưa kể, đây cũng là sự kiện được các vận động viên toàn thế giới nôn nóng được tham gia và ghi tên mình trên bảng vàng. Ngôi sao tennis Naomi Osaka bày tỏ ý kiến của mình.
"Đương nhiên là tôi muốn giải đấu này được diễn ra rồi. Tôi là một vận động viên, và Olympic là khát khao tuổi trẻ của tôi. Tôi đã đợi ngày này quá lâu rồi."
Song song với mong muốn được tham gia Thế vận hội mùa hè năm nay, các vận động viên cũng luôn đề cập đến an toàn sức khoẻ cộng đồng và hi vọng các cuộc thảo luận giữa các bên sẽ đặt sức khoẻ lên hàng đầu, dù cho có thể Olympic năm nay sẽ lại bị hoãn.
Đây không phải là tình huống chưa từng có tiền lệ khi trước đó, hàng loạt các giải đấu kinh điển của môn thể thao vua cũng buộc phải có những trận bóng vắng đi tiếng hò reo của người hâm mộ, kéo theo ảnh hưởng nặng nề về doanh thu đến từ bán vé.
Phản ứng gay gắt của người dân Nhật Bản
Năm ngoái, thế vận hội Olympic 2020 cũng đã bị trì hoãn với lý do tương tự. Chỉ còn 3 tháng là tới sự kiện thể thao danh giá nhất thế giới, song người dân Nhật Bản vẫn giữ nguyên lập trường không đồng ý với việc tổ chức Olympic năm nay.
Cụ thể hơn, trong một cuộc thăm dò được công bố ngày 16/5 của hãng tin Kyodo cho thấy, có đến gần 60% người dân Nhật Bản cho rằng cần tiếp tục huỷ bỏ hoặc trì hoãn Olympic Tokyo. Con số này tăng trưởng mạnh mẽ khi hồi tháng 4 ghi nhận kết quả thăm dò chỉ nằm ở mức 39,2%. Cuộc thăm dò mới nhất kéo dài trong 2 ngày, được thực hiện qua điện thoại trên toàn quốc. Kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên khi hiện tại, Nhật Bản vẫn có đến 3 tỉnh lớn nằm trong phạm vi tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19, 3 tỉnh khác là khu vực cần phòng dịch trọng điểm.
Thậm chí người dân cũng tỏ rõ thái độ không hài lòng với cách xử lý sự kiện trước tình hình đại dịch. Hiện tại, một bản kiến nghị với chữ ký của hơn 350.000 người dân Nhật Bản cũng đã được chuyển tới Thống đốc Tokyo Yuriko Koike với yêu cầu gay gắt về việc không tổ chức Thế vận hội mùa hè. Người dân cũng cho rằng, kinh phí tổ chức đại hội nên được sử dụng nhằm hỗ trợ các nhóm tuyến đầu chống dịch và các gia đình đang chật vật vì COVID-19.
Người dân Nhật Bản đổ xuống đường biểu tình nhằm phản đối tổ chức Thế vận hội mùa hè trong năm nay. (Nguồn: AFP)
Tiến sĩ Shigeru Omi, người đứng đầu một hội đồng chuyên gia của chính phủ cũng đồng tình với ý kiến trên và kêu gọi các nhà tổ chức nghiên cứu với câu hỏi liệu Olympic Tokyo sẽ đem lại niềm vui chiến thắng hay là một gánh nặng lớn hơn cho hệ thống y tế vốn đã đang ở mức căng thẳng tại Nhật Bản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!