Tuần lễ cấp cao diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco, Mỹ là tâm điểm quốc tế tuần qua. Với chủ đề "Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người", đây là cơ hội để 21 nền kinh tế thành viên thảo luận những thách thức đặt ra đối với nền kinh tế toàn cầu.
Giữa những cơn gió ngược phủ bóng triển vọng kinh tế thế giới, các nhà lãnh đạo APEC đã cùng thảo luận về những thách thức, cơ hội, tìm ra hướng đi cho kinh tế thế giới. Sự kiện càng thu hút sự quan tâm khi chứng kiến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc sau 1 năm đầy sóng gió trong quan hệ của hai siêu cường.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị APEC 2023 (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Tôi tin rằng đây là một trong những cuộc thảo luận mang tính xây dựng và hiệu quả nhất chúng tôi đã có".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị APEC 2023 (Ảnh: AP)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng: "Các nguyên tắc cơ bản của chúng tôi trong việc xử lý quan hệ Trung - Mỹ là tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi".
Nỗ lực ổn định quan hệ, tìm kiếm giải pháp giải quyết bất đồng là thông điệp mà cả Mỹ và Trung Quốc phát đi.
Thúc đẩy hợp tác APEC trong giai đoạn mới
Kết thúc Hội nghị APEC năm nay, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua Tuyên bố Cổng vàng "Tạo dựng một tương lai bền vững và tự cường cho mọi người dân", khẳng định vai trò lãnh đạo của APEC cũng như vị thế là một diễn đàn hàng đầu của hợp tác kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị cũng tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, trong đó cốt lõi là Tổ chức Thương mại thế giới, tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực APEC.
Trước những thách thức về khí hậu, các nhà lãnh đạo APEC thể hiện mong muốn thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bền vững để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Văn bản cũng tái khẳng định cam kết tạo ra một hệ sinh thái kỹ thuật số thuận lợi, toàn diện, cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong các sự kiện tại hội nghị năm nay, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gửi đi thông điệp: Việt Nam sẽ chủ động, tích cực đóng góp cho APEC thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vì thịnh vượng của người dân và thế hệ tương lai.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị APEC 2023 (Ảnh: TTXVN)
"Tôi mong rằng tất cả thành viên APEC cùng đề cao tinh thần hợp tác, trách nhiệm, đề cao chủ nghĩa đa phương, gác lại khác biệt để cùng giải quyết khó khăn, vượt qua thách thức vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Việt Nam sẵn sàng cùng các thành viên APEC và cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương xây dựng một tương lai tươi sáng cho mọi người dân. Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng lòng và quyết tâm của tất cả chúng ta, APEC sẽ tiếp tục viết nên những câu chuyện thành công trong giai đoạn phát triển mới" - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Cũng tại tại hội nghị lần này, các nước nhất trí ủng hộ đề xuất của Việt Nam đăng cai năm APEC 2027.
Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc
Một tông giọng tích cực và cởi mở đã được hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc thể hiện trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 15/11/2023.
Sau 4 giờ hội đàm với giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, mối quan hệ đầy căng thẳng giữa hai siêu cường tin rằng đang được cải thiện. Cả hai đã có chung tiếng nói ở một số vấn đề. Đầu tiên là khôi phục các kênh liên lạc, chủ yếu thông qua quân sự, để tránh thông tin sai lệch hoặc tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Chúng tôi đang nối lại liên lạc quân sự, liên lạc trực tiếp. Như các bạn đã biết, việc liên lạc bị đình chỉ đã khiến mọi việc tệ hơn nhiều, từ đó xảy ra tai nạn xảy, hiểu lầm".
Hai bên đã có cuộc trao đổi thẳng thắn về Đài Loan. Ông Tập Cận Bình nói rõ rằng, những vấn đề xung quanh hòn đảo này là vấn đề lớn nhất và nguy hiểm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung. Ông Tập Cận Bình cho biết, ưu tiên của Trung Quốc là thống nhất hòa bình. Trong khi đó, Tổng thống Biden nhắc lại lập trường của Mỹ là duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý hợp tác tìm giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Hai bên sẽ hợp tác để làm chậm lượng khí thải metan và hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu để tăng gấp 3 năng lượng tái tạo vào năm 2030 nhưng cả hai đều không cam kết chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Hai bên cũng sẽ hợp tác để chống buôn bán ma túy và Trung Quốc đồng ý trấn áp các công ty hóa chất để ngăn chặn làn sóng fentanyl bất hợp pháp vào Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AP)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: "Tổng thống Biden và tôi đã đồng ý thành lập một nhóm công tác về kiểm soát ma túy, tăng cường hợp tác để giúp Mỹ giải quyết vấn đề lạm dụng ma túy".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi quan hệ Trung - Mỹ là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh, lãnh đạo hai bên mang trên mình trách nhiệm nặng nề đối với người dân hai nước, thế giới cũng như lịch sử.
Và một minh chứng khác cho dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng Mỹ - Trung, đó là Trung Quốc sẽ gửi lại các con gấu trúc, biểu tượng hữu nghị, trở lại Mỹ trong thời gian tới.
Một năm nhiều sóng gió trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc
Là hai cường quốc hàng đầu, Mỹ và Trung Quốc đều khẳng định cần phải điều phối mối quan hệ của họ một cách có trách nhiệm với thế giới bởi những thách thức toàn cầu, từ các vấn đề chính trị an ninh, đến biến đổi khí hậu, phát triển công nghệ, đòi hỏi phải hợp tác cùng nhau. Nhưng sự cạnh tranh và bất đồng luôn có thể đẩy quan hệ Mỹ - Trung vào trạng thái căng thẳng, nhất là trong 12 tháng qua, kể từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali vào tháng 11/2022 đến Hội nghị APEC lần này.
Đầu tiên là sự cố khinh khí cầu của Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời Alaska, Mỹ hồi đầu năm nay. Phía Mỹ cho rằng, đây là thiết bị do thám còn phía Trung Quốc cho rằng, đây là khinh khí cầu khí tượng bị bay lệch do gió.
Sự cố đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến thăm đến Trung Quốc.
Phải đến tháng 6, ông Antony Blinken mới thực hiện chuyến đi này, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ tới Trung Quốc trong vòng 5 năm qua.
Sau chuyến thăm này là liên tiếp các chuyến thăm của các quan chức cấp cao Mỹ tới Trung Quốc nhằm giảm căng thẳng song phương. Tháng 7 là chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và ông John Kerry - Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu. Tháng 8, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã tới thăm Trung Quốc.
Nhưng bên cạnh các nỗ lực ngoại giao, Washington vẫn áp các hạn chế đầu tư của Mỹ vào công nghệ tiên tiến ở Trung Quốc, bao gồm trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và chất bán dẫn.
Đáp trả, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu gali và germani - hai nguyên tố cần thiết để sản xuất chất bán dẫn. Nước này cũng hạn chế xuất khẩu than chì - khoáng chất cần thiết để sản xuất pin cho xe điện.
Ổn định quan hệ Mỹ - Trung Quốc
Trong hội đàm thượng đỉnh Trung Quốc - Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, quan hệ Trung - Mỹ chưa bao giờ thuận buồm xuôi gió trong 50 năm qua song hai nước đang nỗ lực hướng về phía trước trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều khó khăn.
Đối với hai quốc gia lớn như Trung Quốc và Mỹ, việc quay lưng lại với nhau không phải là một lựa chọn. Xung đột, đối đầu gây ra những hậu quả khó lường cho cả hai bên. Cạnh tranh nước lớn không phải là vấn đề xu hướng thịnh hành của thời điểm hiện tại và không thể giải quyết các vấn đề mà Trung Quốc, Mỹ hay thế giới nói chung đang phải đối mặt.
Về tương lai quan hệ Mỹ - Trung, các chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng nhưng hy vọng có sự hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước sẵn sàng thể hiện thành ý.
Ông Jefff Moon - cựu Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ tại Trung Quốc - cho rằng: "Mỹ và Trung Quốc có thể có những khác biệt trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng có nhiều lĩnh vực có thể hợp tác cùng nhau và tạo ra sự khác biệt thực sự lớn, trong đó có biến đổi khí hậu".
Trong khi đó, giới kinh doanh kỳ vọng về khả năng mối quan hệ Trung - Mỹ được quản lý một cách ổn định, tránh các cú sốc như các đòn trừng phạt thương mại và kiềm chế về phát triển công nghệ.
Ông Bob Moritz - Chủ tịch toàn cầu Công ty Kiểm toán PwC - nhận định: "Điều chúng tôi đang tìm kiếm là sự xuống thang, hạ nhiệt quan hệ Mỹ - Trung. Thứ hai là những dấu hiệu sẵn sàng tiếp tục thương mại. Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là đảm bảo hai bên trao đổi thường xuyên với nhau về những thay đổi chính sách, hiệp định thương mại và các khía cạnh khác để tạo điều kiện cho cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư".
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung vẫn còn nhiều rào cản, từ những bất đồng liên quan các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vật liệu công nghệ cao đến các căng thẳng về địa chính trị, các chuyên gia nhận định sẽ cần nhiều hơn nữa các hành động thực tế từ cả hai phía để hạ nhiệt căng thẳng, ổn định quan hệ vì lợi ích chung của cả hai nước và toàn thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!