Vượt qua hai ứng cử viên là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida, ông Yoshihide Suga đã chiến thắng áp đảo với 377 phiếu ủng hộ trên tổng số 535 phiếu bầu, trở thành lãnh đạo Đảng cầm quyền LDP. Dự kiến Quốc hội Nhật Bản sẽ bỏ phiếu vào ngày 16/9 để chính thức phê chuẩn ông Suga làm Thủ tướng mới.
Ông Yoshihide Suga - Tân Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) nói: "Chúng ta phải vượt qua cuộc khủng hoảng này để mỗi người dân Nhật Bản có thể cảm thấy an toàn và có cuộc sống ổn định. Để làm được điều đó, chúng ta cần tiếp tục thực hiện các biện pháp của Thủ tướng Abe và cùng tiến lên. Tôi tin rằng đó là sứ mệnh của tôi".
Ông Suga năm nay 72 tuổi. Ông đã từng đảm nhiệm một số chức vụ quan trọng như Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông dưới thời chính quyền của Thủ tướng Koizumi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông và Quốc vụ khanh phụ trách cải cách phi tập trung dưới thời nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Abe Shinzo. Sau khi Thủ tướng Abe trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012, ông Suga được bổ nhiệm vào vị trí Chánh Văn phòng Nội các và được coi là cánh tay phải của ông Abe.
Ông Suga thường được gọi với biệt danh Teppeki, có nghĩa là Bức tường sắt. Ông thường được nhớ đến như một nhà điều hành hậu trường hơn là một nhà lãnh đạo tiền tuyến, nhưng vị thế của ông đã tăng trong các cuộc thăm dò dư luận sau khi ông tuyên bố ứng cử để kế nhiệm Thủ tướng Abe.
Ông Suga thường được gọi với biệt danh Teppeki, có nghĩa là Bức tường sắt
Trong chiến dịch tranh cử, ông Suga đã công bố 6 chính sách mới, chủ yếu tập trung vào các biện pháp khống chế dịch COVID-19, tạo việc làm và đối ngoại.
Như vậy ông Suga sẽ lãnh đạo Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với GDP hơn 5 nghìn tỷ USD. Một quốc gia có vai trò an ninh hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, là thành viên của nhóm G7. Vì thế, chính sách của người kế nhiệm không chỉ là câu chuyện nội bộ của Nhật Bản, mà có ảnh hưởng rất lớn tới an ninh khu vực và mối quan hệ giữa các nước lớn.
Vậy quan điểm chính sách đối nội và đối ngoại của ông Suga khác gì ông Abe?
Vào thời điểm hiện nay, ông Yoshihide Suga chưa bộc lộ bất cứ quan điểm gì trái ngược với đường lối của người tiền nhiệm Abe Shinzo. Về đối nội, ông Suga vẫn ủng hộ chính sách kinh tế Abenomics, thừa nhận vai trò của đầu tư công trong phát triển kinh tế và xem thúc đẩy tăng trưởng GDP là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, khác với ông Abe, ông Suga được xem là một chính trị gia ôn hòa và có xu hướng tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa các phe phái chính trị.
Về đối ngoại, các nhà quan sát cho rằng chính phủ mới của ông Suga vẫn sẽ giữ nguyên các chính sách truyền thống của đảng LDP là củng cố mối quan hệ thân thiết với Mỹ, đồng minh lớn nhất, trong khi tiếp tục gia tăng sức ảnh hưởng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á. ASEAN được xem là phần quan trọng trong hệ thống cung ứng toàn cầu của các công ty Nhật Bản, đặc biệt khi nước này đang thúc giục các công ty sản xuất các mặt hàng thiết yếu rời khỏi Trung Quốc.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Suga đã công bố 6 chính sách mới
Ưu tiên lớn nhất hiện nay vẫn là kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Ông Suga có kế hoạch gì để thực hiện mục tiêu này?
Hiện nay ông Suga đã bày tỏ sẽ ý định cung cấp thêm gói cứu trợ bổ sung cho các gia đình chịu thiệt hại nặng nề từ dịch COVID-19, sau khi Chính phủ của ông Abe Shinzo vừa tung ra gói cứu trợ gần 300 tỷ USD từ tháng 6. Đây có thể là biện pháp hợp lòng dân nhưng cũng sẽ gây thêm gánh nặng cho tình trạng nợ công ngày càng nghiêm trọng của Nhật Bản. Đồng thời, ông Suga cũng bác bỏ các đề xuất tăng thuế, nhấn mạnh điều Nhật Bản cần nhất lúc này là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ các công ty trong và sau đại dịch, chống tình trạng giảm phát, bảo vệ thị trường lao động.
Ông Suga cho rằng các kế hoạch phục hồi kinh tế cụ thể chỉ nên được tung ra sau khi Nhật Bản đã kìm chế thành công dịch COVID-19 do hiện nay mọi biện pháp kích cầu đều không hiệu quả.
Trước mắt, ông Suga khẳng định Đảng LDP cầm quyền sẽ kế thừa và thúc đẩy các nỗ lực mà Thủ tướng Abe đã thực hiện. Mục tiêu là đưa người dân Nhật Bản vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay và có một cuộc sống an toàn, ổn định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!