Cuộc đua vaccine đang tạo ra những tranh cãi. Các công ty dược muốn độc quyền, bán sản phẩm để đảm bảo lợi nhuận, trong khi chính phủ, người dân các nước lại muốn vaccine được cung cấp miễn phí đến tất cả mọi người.
Tranh cãi nổ ra khi Tập đoàn dược phẩm Pháp Sanofi tuyên bố Mỹ sẽ được tiếp cận vaccine COVID-19 đầu tiên vì đã hỗ trợ kinh phí nghiên cứu. Ngay lập tức, châu Âu lên tiếng phản đối động thái của Sanofi. Thậm chí, nhiều nguyên thủ, cựu nguyên thủ các nước còn kêu gọi Đại Hội đồng Y tế thế giới cần đảm bảo phân phối công bằng, an toàn, hiệu quả vaccine và các phương pháp điều trị COVID-19.
Mặc dù Sanofi đã lên tiếng đính chính và hứa hẹn về việc thúc đẩy phát triển, phân phối đồng đều vaccine tới cộng đồng mà không đề cập đến vấn đề giá cả, trên thực tế, việc nghiên cứu, phát triển vaccine là hoạt động rất tốn kém cả về thời gian và tiền bạc. Trên thế giới, hầu hết các hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine từ trước tới nay được tập trung vào 4 tập đoàn dược phẩm là GSK, Johnson&Johnson, Pfizer và Sanofi. Nguyên nhân là vì đây là các tập đoàn lớn, có đủ đội ngũ chuyên gia, hệ thống cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, tài chính để nghiên cứu, phát triển, sản xuất đại trà vaccine.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc đua vaccine. Các chính phủ, phòng thí nghiệm trên thế giới đã đầu tư hàng tỷ USD thúc đẩy những hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine COVID-19. Vaccine hiện đang là hy vọng lớn nhất để ngăn chặn hoàn toàn đại dịch COVID-19. Chính vì vậy, phân phối bình đẳng, miễn phí vaccine trở thành nhu cầu toàn cầu. Câu chuyện bao giờ có vaccine và khi nào tất cả mọi người đều được tiếp cận vaccine COVID-19 vẫn đang là một câu hỏi còn bị bỏ ngỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!