“Ứng viên” tiềm năng trong cuộc đua tìm vaccine ngừa COVID-19

Nhật Anh-Thứ năm, ngày 14/05/2020 14:41 GMT+7

VTV.vn - Hiện đang có tới hơn 100 dự án phát triển vaccine ngừa COVID-19 đang được tiến hành trên toàn thế giới.

Dù chỉ số ít dự án phát triển vaccine ngừa COVID-19 bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người, đây vẫn được coi là tiến trình nhanh chưa từng có trong lịch sử y học thế giới. Vaccine đang được coi là "ánh sáng cuối đường hầm" để ngăn chặn các làn sóng tái bùng phát dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Niềm hy vọng này đã "khai hoả" cho cuộc đua phát triển vaccine, khi tất cả những tay đua như Trung Quốc, Mỹ, Anh, và Đức, đều chung mục tiêu là rút ngắn thời gian càng nhiều càng tốt để đưa vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả ra thị trường.

Theo Bloomberg, số dự án phát triển vaccine cho COVID-19 đang quanh ngưỡng 125, tăng đáng kể trong bối cảnh dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người trên toàn thế giới. Thế nhưng, mới chỉ có 8 "ứng viên" được tiến đến quy trình thử nghiệm trên người - quá trình thử thách chính để đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả của vaccine trước khi được phổ biến.

Ưu tiên hàng đầu của ngành công nghệ sinh học Trung Quốc

“Ứng viên” tiềm năng trong cuộc đua tìm vaccine ngừa COVID-19 - Ảnh 1.

Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 với 4 loại tiềm năng đã bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người. Trong đó, đi xa nhất trong quá trình lâm sàng là vaccine do công ty CanSino Biologics và Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh phát triển. Vaccine này đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 2.Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán thuộc Tập đoàn nhà nước Sinopharm cũng tiếp bước CanSino.

Trong khi đó, công ty tư nhân Sinovac Biotech cũng thuộc Sinopharm và Viện Sản phẩm sinh học Bắc Kinh đang trong giai đoạn 1 của thử nghiệm vaccine bất hoạt trên người. Vaccine này chứa virus được nuôi cấy nhân tạo nhưng đã bị bất hoạt để không còn khả năng gây bệnh.Ở Trung Quốc, giai đoạn 2 của quá trình thử nghiệm vaccine trên người sẽ giúp khẳng định tính hiệu quả và an toàn trên số lượng lớn tình nguyện viên, cũng như xác định thời gian giãn cách phù hợp giữa các mũi tiêm. Giai đoạn thử nghiệm thứ ba có quy mô lớn hơn nữa để các nhà khoa học hiểu hơn về khả năng vaccine bảo vệ những người đã tiêm chủng.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình, CGTN, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc Gao Fu cho biết vaccine ngừa COVID-19 do nước này phát triển có thể sẵn sàng để sử dụng khẩn cấp vào tháng 9 năm nay, nhưng không tiết lộ loại nào sẽ được lựa chọn.

Mỹ tăng tốc phát triển vaccine

“Ứng viên” tiềm năng trong cuộc đua tìm vaccine ngừa COVID-19 - Ảnh 2.

Mỹ là một trường hợp thú vị, khi nước này đã tham gia vào cuộc đua từ trước khi ghi nhận những ca bệnh đầu tiên trong nước.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi giới khoa học Trung Quốc công bố trình tự gen của virus SARS-CoV-2, công ty công nghệ sinh học Mo-đe-na đã bắt tay vào nghiên cứu công nghệ vaccine mới. Đến cuối tháng 2, lô vaccine đầu tiên của công ty này đã được giao cho Viện Y tế Quốc gia Mỹ và sau đó là thử nghiệm lâm sàng trên người vào tháng 3. Rất nhanh sau đó, ứng viên thứ hai của Mỹ là công ty Inovio đã cho thử nghiệm vaccine ở thành phố Kansas từ đầu tháng 4.

Tuy nhiên, Moderna vẫn có ưu thế hơn, khi đang chuẩn bị tiến hành giai đoạn 2, và cùng lúc được FDA cấp phép trong quy trình đặc biệt để tiến tới giai đoạn 3 ngay vào mùa hè này.Chia sẻ với các phóng viên trong cuộc họp ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo về dự án có tên "Chiến dịch ong vò vẽ", với kỳ vọng đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine và đạt mục tiêu có ít nhất 100 triệu liều trong vòng 8 tháng.

"Việc gì con người làm được, chúng tôi sẽ thực hiện. Chúng ta thúc đẩy một loại vaccine với tốc độ nhanh chưa từng có" - Tổng thống Trump nói.

"Ứng viên" từ châu Âu vào cuộc

“Ứng viên” tiềm năng trong cuộc đua tìm vaccine ngừa COVID-19 - Ảnh 3.

Bên kia Đại Tây Dương, gã khổng lồ dược phẩm AstraZeneca của Anh cũng hợp tác với Đại học Oxford cho thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19, sau 3 tháng tập trung phát triển. Có tên ChAdOx1, vaccine này được bào chế từ một loại virus gây cảm lạnh trên tinh tinh nhưng đã được làm suy yếu trước khi đưa vào thử nghiệm với 1.000 bệnh nhân. Trong tháng này, thử nghiệm được dự kiến mở rộng lên 5.000 người. Nếu quá trình này suôn sẻ, nhóm các Oxford dự kiến sẽ sản xuất vài triệu liều vaccine được sản xuất và phê duyệt bởi các nhà quản lý vào đầu tháng 9/2020.

Trong khi đó, ứng viên vaccine đến từ Đức đánh dấu sự hợp tác giữa công ty sinh học BioNTech và gã khổng lồ dược phẩm Pfizer. Ứng dụng công nghệ mới cho phép truyền vật liệu di truyền vô hại của virus vào người, và kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại virus.

Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên 200 tình nguyện viên khỏe mạnh, để xác định phản ứng miễn dịch và tác dụng phụ có thể, dự kiến sẽ có kết quả trong tháng 6. BioNTech và Pfizer: Hai hãng dược của Đức và Mỹ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng với vaccine Covid-19 do họ đồng phát triển tại Mỹ và châu Âu. Nếu thử nghiệm thành công và được phê duyệt, BioNTech và Pfizer sẽ bắt đầu phân phối vaccine này để dùng cho các trường hợp khẩn cấp vào mùa thu năm nay.

Một số tên tuổi ngành dược lớn mạnh như Tập đoàn Johnson & Johnson thì đang phối hợp cùng chính quyền Washington trong dự án trị giá hơn 1 tỷ USD, nhằm thử nghiệm một loại vaccine trên người vào tháng 9 năm nay.

Cần nhiều loại vaccine để ngừa COVID-19

“Ứng viên” tiềm năng trong cuộc đua tìm vaccine ngừa COVID-19 - Ảnh 4.

Việc điều chế một vaccine tiềm năng mới chỉ là bước đầu của cuộc hành trình gian nan. Theo Thời báo New York, công đoạn chứng minh sản phẩm an toàn, hiệu quả và tăng cường quy mô sản xuất có thể kéo dài từ 10 đến 15 năm. Và cũng chỉ có khoảng 6% dự án ban đầu tới được vạch đích là thương mại hoá vaccine. Nhưng khoảng thời gian cần thiết như vậy có thể là quá dài với loài người, trước sức ép từ sự tàn phá của COVID-19. Kỳ vọng hiện tại được đặt ra là một loại vaccine ngừa bệnh hiệu quả, an toàn sẽ được cấp phép sử dụng đại trà trong 12-18 tháng, tức là rút ngắn khoảng 10 lần thời gian thông thường. Đây là tham vọng nghe có vẻ bất khả thi, song mức độ cấp thiết để đẩy lùi COVID-19 có thể tạo ra những đột phá trong quy trình sản xuất vaccine.

Một nghiên cứu mới, được đăng tải trên tạp chí Science hôm 11/5, dẫn cảnh báo của các chuyên gia hàng đầu nước Mỹ rằng chỉ một loại vaccine không đủ để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Nghiên cứu này nhấ mạnh: nhu cầu của từng nước và sự khác biệt của chủng virus có thể sẽ đòi hỏi nhiều hơn một loại vaccine hiệu quả, và do đó cần đến sự phối hợp trong một chiến lược toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước