Cảnh sát phản ứng với một chiếc xe khả nghi gần nhà hàng La Carillon sau một loạt vụ tấn công chết người ở Paris. (Ảnh: PBS)
Gần 1.800 nguyên đơn dân sự đã được phân bổ trong 5 tuần để đưa ra bằng chứng của họ.
Vào ngày 13/11/2015, các tay súng và những kẻ đánh bom liều chết đã tấn công sân vận động quốc gia của Pháp, một chuỗi các quán bar và nhà hàng ở Paris và một địa điểm tổ chức nhạc rock khiến 130 người thiệt mạng, hơn 490 người bị thương.
Phiên xét xử được mở vào ngày 8/9 tại Paris về vụ tấn công khủng bố tháng 11/2015, khiến 130 người thiệt mạng tại các quán bar, nhà hàng, sân vận động bóng đá và phòng hòa nhạc Bataclan ở thủ đô nước Pháp là phiên tòa hình sự lớn nhất từ trước đến nay ở nước này. Phiên tòa đánh dấu một bước ngoặt trong luật chống khủng bố của Pháp.
Pháp đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào tối 13/11/2015 sau vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại nước này. Chính phủ Pháp đã thúc đẩy thông qua các luật chống khủng bố mới, mở rộng quyền hạn cho cảnh sát và các cơ quan tình báo trong bối cảnh nước này phải đối mặt với làn sóng tấn công liên tục diễn ra ở các thành phố và thị trấn như Nice, St-Étienne-du-Rouvray, Villejuif và Rambouillet.
Tài khoản Twitter của cảnh sát Pháp đăng hình ảnh đối tượng Salah Abdeslam. (Ảnh: PBS)
Tình trạng khẩn cấp hết hạn vào tháng 11/2017, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thay thế bằng luật chống khủng bố đầy cứng rắn. Luật mới đã hợp pháp hóa vĩnh viễn một số khía cạnh của tình trạng khẩn cấp như mở rộng quyền hạn của cảnh sát để khám xét nhà, hạn chế di chuyển hoặc đóng cửa các địa điểm tôn giáo cực đoan.
Pháp có lịch sử lâu đời về luật chống khủng bố, có từ thế kỷ 19, khi nước nay áp dụng các điều khoản đặc biệt theo quy định thời chiến. Một làn sóng tấn công khủng bố do Iran tài trợ vào năm 1986 đã khiến 14 người tử vong và gần 250 người bị thương ở Paris, khiến Chính phủ Pháp đưa ra luật chống khủng bố mang tính bước ngoặt, tạo nền tảng pháp lý chống khủng bố ở quốc gia này cho đến nay.
20 người đàn ông bị buộc tội liên quan đến vụ thảm sát năm 2015. Phiên tòa, kéo dài 9 tháng và có sự tham gia của các nhân chứng bao gồm cả cựu Tổng thống François Hollande. Ông Hollande đã từng mô tả, chuỗi tấn công khủng bố này này như một "hành động thảm sát chiến tranh".
Phòng xử án tạm thời được thiết lập để phục vụ phiên tòa. (Ảnh: Reuters)
Các cuộc tấn công, do Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện, bắt đầu vào khoảng 21h thứ Sáu, ngày 13/11/2015, khi một kẻ đánh bom liều chết cho nổ tung chất nổ mang trên người sau khi không vào được sân vận động quốc gia Stade de France. Vào thời điểm đó, cựu Tổng thống Hollande nằm trong số 80.000 người có mặt tại sân vận động theo dõi trận đấu bóng đá giữa Pháp và Đức.
Sau vụ đánh bom này, hàng loạt vụ xả súng và đánh bom liều chết đã diễn ra tại các quán cà phê và nhà hàng ở Paris, và một cuộc tấn công xảy ra tại nhà hát Bataclan trong một buổi biểu diễn của ban nhạc rock Mỹ Eagles of Death Metal, khiến 90 người thiệt mạng.
Nhân vật chủ chốt bị đưa ra xét xử là Salah Abdeslam, được cho là người sống sót duy nhất trong nhóm tội phạm tấn công thành phố Paris, hầu hết đều tự sát hoặc bị cảnh sát tiêu diệt. 14 trong 24 bị cáo sẽ có mặt tại phiên tòa lịch sử này. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài 9 tháng, cho đến tháng 5/2022, với 145 ngày dành cho các phiên điều trần. Khoảng 330 luật sư, 300 nạn nhân và cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ ra điều trần vào tháng 11 tới. Hồ sơ vụ việc dài tới 1 triệu trang với 542 tập.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!