"Chúng tôi sẽ thực hiện quy trình thành lập chính phủ một cách nghiêm túc và chặt chẽ", ông Michel Barnier nói với các phóng viên tại thành phố Reims ngày 11/9, đồng thời khẳng định ông sẽ "lắng nghe mọi người" trong bối cảnh nền chính trị chia thành ba phe lớn kể từ cuộc bầu cử quốc hội bất thành hồi tháng 7.
Ông Michel Barnier - người từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU - đã được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm là người người đứng đầu chính phủ Pháp vào tuần trước.
Liên minh "Cùng nhau" (Ensemble) của Tổng thống Macron đã chính thức mất thế đa số trong Quốc hội Pháp, khiến ông trì hoãn việc chọn Thủ tướng trong nhiều tuần nhằm cố gắng tìm một người không phải chịu cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay lập tức.
Hiến pháp của Cộng hòa Pháp quy định rằng Tổng thống có quyền lựa chọn Thủ tướng mà không cần tham vấn hoặc có sự nhất trí của các nghị sĩ.
Hiện Quốc hội Pháp có 3 khối chính trị đang nắm giữ số ghế không chênh lệch nhau quá nhiều, gồm nhóm những người ủng hộ đường lối trung dung của Tổng thống Macron - liên minh lỏng lẻo với đảng bảo thủ của ông Barnier, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) và đảng cánh hữu Tập hợp quốc gia (RN).
Ông Michel Barnier đối mặt với nhiều thách thức khi trở thành người đứng đầu chính phủ Pháp (Ảnh: AFP)
Các nhà lãnh đạo NFP đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bất kỳ chính phủ nào không do họ lãnh đạo sau khi giành được nhiều phiếu bầu nhất trong Quốc hội, nhưng vẫn chưa đạt được đa số. Trong khi đó, ông Macron dường như đã cẩn thận tìm một ứng cử viên là ông Barnier, người không làm phật lòng RN.
Tin đồn đang lan truyền ở Paris về việc ai có thể nắm giữ các bộ chủ chốt sau khi Thủ tướng Barnier cho biết ông sẵn sàng làm việc với những người ở cả phe cánh tả và cánh hữu.
Ông Karim Bouamrane - Thị trưởng vùng ngoại ô Saint-Ouen của Paris, đồng thời là một đảng viên Xã hội chủ nghĩa nổi tiếng - cho biết ông đã từ chối lời mời phục vụ chính phủ. "Chúng tôi có một Thủ tướng cánh hữu được RN chấp thuận, một Thủ tướng đang được giám sát", ông Bouamrane nói với đài phát thanh Franceinfo.
Hạn chót nộp dự thảo ngân sách chính phủ năm 2025 là ngày 1/10, khiến tân Thủ tướng Barnier chịu áp lực phải hành động ngay lập tức, đồng nghĩa với việc ông cùng nhóm mới của mình phải đối mặt với cuộc chiến khốc liệt về thuế và chi tiêu. Chính phủ Pháp trước đó đã xin gia hạn thời hạn gửi lộ trình chi tiêu đến ngày 15/10, cho thấy sự khó khăn trong việc cân bằng giữa yêu cầu của EU và tình hình tài chính của Pháp.
Đặc biệt, cả NFP và RN đều hứa hẹn sẽ lật ngược cải cách lương hưu không được lòng người dân hồi năm 2023, bao gồm việc tăng tuổi nghỉ hưu chính thức từ 62 lên 64.
Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Barnier còn phải đối diện với sức ép từ EU về việc Pháp vi phạm các quy tắc chi tiêu công. Thâm hụt ngân sách của Pháp năm 2023 đã vượt quá ngưỡng 3% GDP theo yêu cầu của EU, đạt mức 5,5%, có nguy cơ còn tồi tệ hơn trong năm nay. Trước nguy cơ bị trừng phạt, Pháp buộc phải trình bày kế hoạch chi tiêu rõ ràng và khắt khe hơn trong những năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!