Phát hiện được John Vidale, nhà địa vật lý tại Đại học Nam California ở Los Angeles, công bố tại hội nghị Liên đoàn Địa vật lý Hoa Kỳ vào ngày 9/12. Thông tin này có thể giải đáp cuộc tranh luận kéo dài về những thay đổi đang diễn ra tại trung tâm Trái đất.
Do không thể trực tiếp khảo sát lõi Trái đất, các nhà khoa học phải dựa vào việc nghiên cứu sóng địa chấn từ động đất. Họ thường theo dõi các trận động đất xảy ra ở quần đảo South Sandwich gần Nam Cực, nơi nằm đối diện với các trạm đo ở Alaska. Sóng địa chấn truyền qua Trái đất giống như sóng âm truyền qua nước, trong đó một số sóng đi xuyên qua lõi trong trước khi đến Alaska.
Trong nghiên cứu mới, nhóm của ông Vidale đã phân tích khoảng 200 cặp động đất xảy ra từ 1991 đến 2024. Họ phát hiện ra sự khác biệt tinh tế trong dạng sóng được ghi nhận tại Yellowknife (Canada) mà không xuất hiện ở Fairbanks (Alaska). Điều này gợi ý rằng bề mặt lõi trong đang biến dạng.
Nhiều phán đoán đã được giới khoa học đưa ra. Có thể toàn bộ lõi trong đang biến dạng, giống như một quả bóng bầu dục đang thay đổi hình dạng. Hoặc có thể chỉ một số vùng trên bề mặt đang phồng lên hoặc co lại, tạo thành các "vết lõm" và "chỗ phình". Những thay đổi này có thể do lực hấp dẫn từ lớp địa mạc - lớp lớn nhất bên trong Trái Đất - hoặc do vật chất chuyển động trong lõi ngoài.
Xiaodong Song, nhà địa vật lý tại Đại học Bắc Kinh và là một trong những người đầu tiên phát hiện ra sự khác biệt trong chuyển động quay của lõi trong so với phần còn lại của Trái đất, đã bày tỏ sự đồng thuận với phát hiện của Vidale. Theo ông, mặc dù sự khác biệt trong dạng sóng chủ yếu do thay đổi về chuyển động quay, nhưng các quá trình khác như biến đổi bề mặt cũng có thể đang diễn ra đồng thời. "Không phải là chọn cái này hoặc cái kia", ông nhận định.
Ông Vidale kết luận, mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa xác định được những thay đổi này sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống trên bề mặt Trái đất, họ đang tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn về hiện tượng này.
Hơn 3/4 diện tích Trái Đất khô hạn VTV.vn - Tình trạng khô hạn kéo dài đang đẩy nhiều khu vực trên thế giới vào nguy cơ suy thoái đất, mất an ninh lương thực và di cư hàng loạt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!