Hình minh họa cho thấy ngoại hành tinh Phoenix dưới ánh sáng chói lọi của ngôi sao mẹ khổng lồ. (Ảnh: Đại học Johns Hopkins)
Hành tinh kỳ lạ này được phát hiện bằng Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh Quá cảnh (TESS) của NASA, đang khiến các nhà thiên văn học bối rối.
Trên thực tế, hành tinh ngoài hệ Mặt trời hay ngoại hành tinh phải là có một lớp vỏ đá trần do nó ở gần ngôi sao TIC 365102760, cách Trái đất khoảng 1.800 năm ánh sáng. Tuy nhiên, thế giới có biệt danh là "Phoenix" đã xuất hiện từ ngọn lửa của ngôi sao chủ với bầu không khí dễ chịu và căng tràn.
Ngôi sao mẹ TIC 365102760 có tuổi đời ít nhất 6,3 tỉ năm, như vậy tuổi đời của Phoenix cũng chỉ kém cạnh một chút, tức già hơn Trái Đất rất nhiều. Phoenix có bán kính lớn hơn Trái Đất 6,2 lần, nặng hơn 19,2 lần. Khoảng cách của nó với ngôi sao mẹ chỉ bằng 1/6 khoảng cách sao Thủy - Mặt trời, do đó chỉ mất 4,2 ngày để đi hết một vòng quanh sao mẹ.
Mặc dù vậy, Phoenix được xếp vào loại hành tinh "Sao Hải Vương nóng" rất hiếm trong vũ trụ, tức là loại hành tinh khí khổng lồ giống sao Hải Vương của hệ Mặt trời nhưng tương phản về nhiệt.
Quá trình tiến hóa của một ngôi sao giống như Mặt trời, từ khi nó ra đời như một tiền sao nhỏ ở bên trái, cho đến khi nó phát triển thành sao khổng lồ đỏ rồi trở thành tinh vân hành tinh, ở bên phải (Ảnh: ESO)
Ngoài ra, tuổi của hành tinh và nhiệt độ nóng như thiêu đốt, cùng với mật độ thấp bất ngờ, lẽ ra đã khiến nó mất hoàn toàn bầu khí quyển từ lâu. Thế nhưng, Phoenix vẫn có khả năng duy trì khí quyển bất chấp vị trí ở sát sao trung tâm.
Phoenix có thể là một hành tinh "sống sót" đáng kinh ngạc nhưng sự may mắn và khả năng phục hồi của hành tinh khoảng 10 tỷ năm tuổi này sẽ không tồn tại mãi mãi. Nhóm khoa học phát hiện ra rằng nó sẽ xoắn ốc thành ngôi sao khổng lồ trong khoảng 100 triệu năm nữa.
Việc phát hiện ra Phoenix cho thấy sự đa dạng của các ngoại hành tinh tồn tại trong vũ trụ và chứng minh rằng một hệ hành tinh có thể phát triển theo nhiều cách.
Tuổi cao và mật độ thấp của Phoenix cho thấy rằng một số quá trình chắc chắn đã làm mất bầu khí quyển của nó chậm hơn nhiều so với mức mà các nhà khoa học trước đây tin là có thể xảy ra đối với một thế giới rất gần với ngôi sao của nó.
Theo các nhà khoa học NASA, Mặt trời của chúng ta cũng sẽ phình to lên thành sao khổng lồ đỏ trong vòng 5 tỉ năm tới - và có thể nuốt mất cả sao Thủy, sao Kim và Trái đất trong quá trình phình to, trước khi phát nổ và sụp đổ thành sao lùn trắng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!