Nhà máy điện hạt nhân Bataan (BNPP) ở tỉnh Bataan, Philippines vào ngày 16/9/2016. (Ảnh: Reuters)
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các nhà chức trách Philippines chuẩn bị cho việc phục hồi điện hạt nhân loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than và sau khi các nỗ lực trước đó thất bại do lo ngại về tính an toàn.
Sắc lệnh của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được ký vào ngày 28/2 và được công bố vào ngày 3/3 được coi là cột mốc quan trọng đối với một quốc gia thường bị mất điện theo mùa và giá điện cao, nhưng sẽ khiến những người phản đối động thái này quan ngại.
Được ký 3 tháng trước khi ông Duterte kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống 6 năm duy nhất của mình, sắc lệnh cũng chỉ đạo một hội đồng liên cơ quan xem xét việc mở lại Nhà máy điện hạt nhân Bataan (BNPP).
"Chính phủ cam kết đưa năng lượng hạt nhân vào tổ hợp năng lượng quốc gia", sắc lệnh nêu rõ.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: AP)
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Philippines Alfonso Cusi đã ủng hộ năng lượng hạt nhân và cho biết, việc sử dụng loại năng lượng này có thể giúp giảm bớt các vấn đề về nguồn cung và chi phí cao.
Theo Tổng thống Duterte, năng lượng hạt nhân sẽ được sử dụng như một nguồn năng lượng cơ bản thay thế khả thi khi Philippines nỗ lực tìm cách ngừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện than để giúp đáp ứng các mục tiêu khí hậu.
Những nỗ lực theo đuổi năng lượng hạt nhân trước đây ở Philippines đã bị tạm dừng do lo ngại về tính an toàn. Tuy nhiên, kế hoạch mới được gắn với đề xuất phục hồi BNPP, nhà máy điện hạt nhân được xây dựng để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng dưới thời cựu Tổng thống Ferdinand Marcos.
Hoàn thành vào năm 1984, nhà máy này bị "đóng băng" hai năm sau đó sau vụ lật đổ chính quyền của Tổng thống Marcos và thảm họa hạt nhân Chernobyl.
Kể từ năm 2009, BNPP đã hoạt động như một điểm du lịch thu hút du khách, giúp giảm chi phí duy trì nhà máy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!