Phố Wall với bầu cử Tổng thống Mỹ

Lê Tuyển, Hoàng Hải (Thường trú Đài THVN tại Mỹ)-Thứ ba, ngày 29/10/2024 17:04 GMT+7

VTV.vn - Ở phố Wall tồn tại một truyền thống: nếu các chỉ số chính tăng điểm trong cả ba tháng trước bầu cử, chính quyền đương nhiệm thường sẽ tiếp quản nhiệm sở.

Khi cuộc bầu cử chọn ra Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ chỉ còn được tính theo ngày, các kênh đầu tư cho thấy những tín hiệu trái chiều về dự đoán khả năng ai sẽ là người chiến thắng. Điều này có thể khiến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay sẽ còn nhiều yếu tố bất ngờ tới tận phút chót.

phố Wall tồn tại một truyền thống: Nếu các chỉ số chính tăng điểm trong cả ba tháng trước bầu cử, chính quyền đương nhiệm thường sẽ tiếp quản nhiệm sở. Và nếu mất điểm thì ngược lại. Năm nay, các chỉ số chính tăng điểm mạnh, nghĩa là thiên về bà Harris. Thế nhưng, giá các loại tiền ảo lại tăng và các kênh đặt cược đầu tư lại nghiêng về ông Trump.

Ông Sam Stovall - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Chiến lược Đầu tư, CFRA, Mỹ cho biết: “Điều thú vị là trái với thị trường chứng khoán, những người đặt cược thì thiên vào khả năng ông Trump thắng. Và họ đã thắng vào năm 2020 là thật. Nhưng họ lại đoán sai vào năm 2016. Vì thế, tỷ lệ đúng - sai vẫn là 50-50”.

Phố Wall với bầu cử Tổng thống Mỹ - Ảnh 1.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay sẽ còn nhiều yếu tố bất ngờ tới tận phút chót

Những cuộc khảo sát gần đây cho thấy hai ứng cử viên đang có cuộc đua sít sao. Bà Harris có lợi thế ngay khi thay Tổng thống Biden ra tranh cử. Nhưng gần đây, ông Trump lấy lại được sự ủng hộ. Thuế thu nhập đang là điều chi phối nhiều cử tri.

Anh David - Cử tri New York, Mỹ - chia sẻ: “Nếu bà Kamala Harris thắng, bà ấy sẽ áp 27-28% thuế lên thu nhập của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ. Điều đó có thể không thúc đẩy được kinh tế trẻ như chúng tôi”.

Bà Harris chủ trương chỉ tăng thuế lên giới giàu có, thu nhập trên 400.000 USD/năm. Bù lại giữ nguyên thuế nhập khẩu. Ngược lại, ông Trump không tăng thuế lên cá nhân, giảm thuế cho doanh nghiệp, nhưng tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu.

Kế hoạch của bà Harris, có thể dẫn tới nợ công tăng gần 4.000 tỷ USD. Trong khi, ông Trump có thể khiến khoản nợ này phình to lên 7,8 nghìn tỷ. Nhưng với nhiều cử tri, các quyết sách còn phụ thuộc vào việc phân chia quyền lực của các Đảng trong quốc hội.

Ông Tom - Chủ hộ kinh doanh ở New Jersey, Mỹ nêu ý kiến: “Cả hai bên đều đưa ra kế hoạch của mình. Nhưng quan trọng hơn là được thông qua như thế nào? Điều đó phụ thuộc khá nhiều vào Quốc hội. Đấy mới là vấn đề”.

Cho đến thời điểm này, có khoảng 30 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm, tương đương hơn 10% tổng số lượng cử tri. Trong lịch sử 40 năm qua của nước Mỹ, đây là số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm thấp so với các năm bầu cử khác. Điều này có thể cho thấy, có thể nhiều cử tri vẫn còn đang trong tình trạng lưỡng lự và đó cũng có thể là yếu tố gây ra bất ngờ cho cuộc bầu cử lần này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước