Tại thủ đô Jakarta những ngày này, các chốt chặn được lập nên ở mọi nơi, chỉ những người làm việc trong lĩnh vực thiết yếu và có giấy phép mới được di chuyển trên đường phố.
Anh Susanto - Nhân viên dịch vụ tài chính cho biết: "Tôi đã không thể đi làm 3 tuần nay và giờ tôi muốn đi làm. Họ dừng tôi lại và hỏi giấy đi đường, mà cơ quan lại không cho tôi giấy tờ gì".
Indonesia vẫn đang trong tình trạng phong tỏa được áp đặt kể từ đầu tháng 7 khi số ca nhiễm COVID-19 mới tăng vọt do biến thể Delta. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đã lên gần 3,5 triệu ca và hơn 95 ngàn ca tử vong.
Phong tỏa kéo dài sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, song nới lỏng giãn cách xã hội khi chưa kiểm soát được tình hình dịch bệnh lại là một rủi ro lớn, đặc biệt tới tính mạng người dân. Đó là sự lựa chọn khó khăn đối với chính phủ.
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân Indonesia
Theo các chuyên gia, việc mở cửa trở lại nền kinh tế cần được cân nhắc với các yếu tố như tiến độ tiêm vaccine, mức độ kiểm soát dịch bệnh.
Tiến sĩ Siwage Dharma Negara - Viện nghiên cứu Đông Nam Á - Yusof Ishak cho rằng: "Tất nhiên các chính phủ sẽ dần mở cửa trở lại nền kinh tế, nhưng đồng thời cần tiếp tục việc xét nghiệm, truy vết cũng như chương trình tiêm chủng. Thực sự đây là mấu chốt để có thể đảm bảo sức khỏe cho người dân, nhưng đồng thời vẫn có thể dần mở cửa nền kinh tế".
Rõ ràng việc mở cửa trở lại nền kinh tế là điều các quốc gia đều mong muốn. Song ở vào những thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, sự lựa chọn của các chính phủ chỉ có một, đó là bảo vệ tính mạng của người dân là trên hết. Việc đồng lòng của mỗi người dân cùng với chính phủ cũng là sự đóng góp hiệu quả để mỗi quốc gia có thể vượt qua đại dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!