Các nước ASEAN lập kỷ lục số ca mắc COVID-19/ngày, Indonesia có số người nhiễm mới cao nhất thế giới

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ hai, ngày 26/07/2021 06:16 GMT+7

Hơn 194,7 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 26/7, thế giới có trên 194,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,17 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 35,19 triệu ca mắc và hơn 626.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 8.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chiến dịch tiêm chủng đang bị chậm lại khi biến thể Delta lây lan ra toàn bộ 50 bang tại Mỹ Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm giải pháp để gỡ nút thắt cho vấn đề này. Nước Mỹ đã có đủ vaccine COVID-19 cho người dân. Tuy nhiên, một nghịch cảnh đang xảy ra là tốc độ tiêm chủng của nước này đang giảm đáng kể so với mục tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 25/7, nước này ghi nhận hơn 38.000 ca mắc mới COVID-19 và 410 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 31,4 triệu người mắc COVID-19, bao gồm gần 421.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil vẫn là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về tổng số ca mắc COVID-19 với hơn 19,6 triệu người nhiễm bệnh, trong đó có 549.500 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.

Tại châu Âu, sự lây lan biến thể Delta đang trở thành mối quan ngại của nhiều quốc gia.

Ông Helge Braun, Chánh văn phòng của Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ quan ngại, số lượng ca nhiễm virus mới sẽ tăng trong những tuần tới và có thể lên tới 100.000 ca mỗi ngày vào cuối tháng 9 tới, gây ra những vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp. Những quan ngại của ông Braun được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã tăng trở lại từ đầu tháng 7 do sự lây lan của biến thể Delta.

Phát biểu với tuần báo Bild am Sonntag, ông Braun cho biết số, ca lây nhiễm đang tăng 60% mỗi tuần dù gần một nửa dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Thực trạng này cho thấy, cần tăng nhanh tỷ lệ tiêm chủng và thay đổi cách ứng phó để tránh kịch bản 1 ngày ghi nhận 850 ca nhiễm/100.000 người. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Đức là 3,76 triệu người sau khi ghi nhận 1,108 ca mắc mới trong ngày 25/7.

Ngày 25/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, trốn tránh tiêm vaccine là biểu hiện của “sự vô trách nhiệm”, đồng thời hối thúc người dân đi tiêm vaccine. Tuyên bố của ông Macron được đưa ra trong bối cảnh tại Pháp diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối quy định về chứng nhận vaccine và việc bắt buộc tiêm vaccine đối với một số nhóm ngành nghề.

Nga hiện vẫn ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, mức khá cao nếu so các làn sóng COVID-19 trước đây. Đáng lo ngại là tỷ lệ số ca tử vong do COVID-19 tại Nga gần đây tăng mạnh so với các giai đoạn trước với gần 800 bệnh nhân thiệt mạng mỗi ngày. Ngày 25/7, tổng số người nhiễm COVID-19 tại Nga là trên 6,1 triệu sau khi nước này xác nhận 24.072 ca mắc mới. Hiện hơn 153.800 bệnh nhân COVID-19 đã tử vong ở nước này.

Các nước ASEAN lập kỷ lục số ca mắc COVID-19/ngày, Indonesia có số người nhiễm mới cao nhất thế giới - Ảnh 1.

Số ca mắc mới tại Nga tăng cao, vượt mốc 20.000 trường hợp/ngày. (Ảnh: AP)

Bang New South Wales (Australia) ngày 25/7 thông báo ghi nhận thêm 141 ca mới mắc COVID-19, đưa tổng số ca tại bang đông dân nhất Australia này lên hơn 2.000 ca. Đây là ngày ghi nhận số ca mới cao thứ 2 tại bang New South Wales sau khi ghi nhận số ca mới lên mức cao chưa từng thấy trước đó 1 ngày với 163 người.

Quan ngại về làn sóng lây nhiễm dịch bệnh mới đang ngày một gia tăng tại bang New South Wales sau khi hàng nghìn người tham gia phản đối kế hoạch phong tỏa của chính quyền. Phát biểu với báo giới, Thủ hiến bang New South Wales, bà Gladys Berejiklian, đã chỉ trích những người tham gia cuộc biểu tình ngày 24/7. Theo bà, hàng triệu người tại bang New South Wales đã và đang tuân thủ các quy định phòng chống COVID-19, nhưng có những người lại tỏ thái độ coi thường. Người đứng đầu bang New South Wales lo ngại, cuộc biểu tình ngày 24/7 là một bước lùi của bang trong việc phòng chống dịch bệnh. Hiện Australia ghi nhận trên 32.900 ca mắc và 918 người tử vong vì COVID-19.

Biến thể Delta đang khiến số ca mắc mới COVID-19 tại các nước trong khu vực ASEAN liên tục thiết lập mốc mới về số ca nhiễm mới trong ngày.

Trong ngày qua, Thái Lan đã có thêm 15.335 ca mắc mới và 129 bệnh nhân tử vong do COVID. Đây là mốc mới về số ca mắc mới trong ngày tại Thái Lan kể từ khi dịch bùng phát và cũng là lần đầu tiên số ca mắc mới tại Thái Lan vượt qua ngưỡng 15.000 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 tại Thái Lan lên hơn 497.000 bệnh nhân.

Theo các chuyên gia, biến thể Delta đang khiến số ca mắc mới tại Thái Lan có xu hướng tăng lên và số ca mắc mới có thể tăng lên gấp 2, thậm chí là gấp 3 mỗi tuần.

Sau khi ghi nhận số ca tử vong trong nhiều ngày ở mức cao kỷ lục, Indonesia đã quyết định sẽ tăng cường các khoa điều trị tích cực tại những khu vực ghi nhận số người tử vong cao nhất. Indonesia hiện cũng đã vượt Ấn Độ và Brazil, trở thành quốc gia có số ca mắc theo ngày cao nhất thế giới, khiến nhiều bệnh viện ở quốc gia này bị quá tải và thiếu oxy.

Indonesia đang trở thành tâm dịch COVID-19 ở châu Á. Các chuyên gia dịch tễ lo ngại, khả năng tại Indonesia có thể sẽ xuất hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV 2 còn nguy hiểm hơn biến thể Delta. Cho đến nay, Indonesia đã tiêm được gần 17 triệu liều vaccine, trong đó có gần 5.400 người đã tiêm đủ hai mũi.

Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận hơn 38.600 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc lên hơn 3,16 triệu trường hợp. Trong khi đó, số người tử vong tăng thêm hơn 1.200 ca, lên trên 83.000 bệnh nhân. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nước này được cho là cao hơn mức trung bình toàn cầu. Với mức tăng trên, Indonesia đã vượt Ấn Độ và Brazil, trở thành quốc gia có số ca mắc theo ngày cao nhất thế giới. Các biến thể mới được cho là luôn xuất hiện ở những khu vực hay quốc gia không thể kiểm soát được dịch.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu 5% số xét nghiệm cho kết quả dương tính thì nghĩa là dịch đã vượt tầm kiểm soát. Tại Indonesia, con số này cao hơn 10% ở giai đoạn đầu của dịch và hiện giờ là trên 30%. Vì thế, các chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Indonesia cho rằng, rất có khả năng xuất hiện một biến thể mới hoặc siêu biến thể.

Các nước ASEAN lập kỷ lục số ca mắc COVID-19/ngày, Indonesia có số người nhiễm mới cao nhất thế giới - Ảnh 2.

Hiện Indonesia đã vượt Ấn Độ, trở thành quốc gia có số ca mắc theo ngày cao nhất thế giới. (Ảnh: AP)

Sau khi ghi nhận số ca mắc mới theo ngày tăng mạnh, Chính phủ Malaysia đã kêu gọi người dân đoàn kết vượt qua đại dịch COVID-19. Chính phủ Malaysia sẽ tăng thêm số bệnh viện công điều trị COVID-19 nhằm cung cấp đủ giường cho những ca điều trị tích cực; rà soát và chuyển các trường hợp không phải COVID-19 sang các bệnh viện tư nhân. Cùng với đó, Malaysia sẽ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt là ở khu vực có số ca nhiễm mới và tử vong cao.

Với 17.045 trường hợp mắc trong ngày 25/7, tổng số người mắc COVID-19 tại Malaysia chính thức vượt mốc 1 triệu ca. Báo cáo ngày 25/7 của Bộ Y tế Malaysia cho biết, số ca mắc mới trong 24 giờ qua cũng là mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nước này. Đây cũng là ngày thứ 13 liên tiếp, Malaysia ghi nhận hơn 10.000 ca mắc mới/ngày. Số ca nhiễm mới tập trung đông nhất tại bang Selangor (8.500 ca), tiếp theo là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur với 2.045 ca và bang Kedah với 1.216 ca.

Trong khi đó, Bộ Y tế Lào ngày 25/7 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 142 ca mắc COVID-19 mới, đều là người nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, các cụm dịch trong cộng đồng ở Lào nhiều ngày qua không ghi nhận ca nhiễm mới.

Tuy nhiên, cùng ngày Bộ Y tế Lào ghi nhận 1 trường hợp dương tính sau khi kết thúc thời gian cách ly 14 ngày tại tỉnh Savannakhet. Người này trở về từ Thái Lan, đã hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày và có kết quả xét nghiệm cả hai lần đều âm tính. Sau khi trở về nhà, người này đã có triệu chứng sốt, ho khan, đau nhức cơ thể và được xác nhận dương tính với COVID-19 ngày 19/7. Hiện trường hợp này đã được đưa đi điều trị tại bệnh viện.

Trước tình hình người nhập cảnh ngày càng gia tăng, Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa COVID-19 của Lào khu vực giáp biên với Thái Lan đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuần tra đường thủy trên sông Mekong để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài, đặc biệt là người nhập cảnh bất hợp pháp. Đồng thời, chính quyền các địa phương tiếp tục vận động người dân nhanh chóng thông báo trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép từ Thái Lan qua sông Mekong. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 4.762 ca mắc COVID-19, trong đó có 5 bệnh nhân không qua khỏi.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan đã phê chuẩn thuốc Favipiravir do Tổ chức Dược phẩm Chính phủ bào chế trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 đang ngày một tăng ở quốc gia Đông Nam Á này.

Nhu cầu sử dụng thuốc Favipiravir ở Thái Lan hiện vào khoảng 300.000 viên mỗi ngày. Phiên bản Favipiravir sản xuất trong nước dự kiến sẽ được bán theo đơn vào tháng 8. Thuốc Favipiravir sản xuất tại Thái Lan sẽ có giá chỉ bằng một nửa so với giá nhập khẩu. Ước tính, mỗi bệnh nhân cần khoảng 70 viên, tùy thuộc vào trọng lượng của bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Thái Lan, Favipiravir được sử dụng cho những bệnh nhân có nguy cơ cao với các triệu chứng nhẹ và các ca đã phát triển bệnh viêm phổi.

Hàn Quốc sẽ áp dụng mức độ giãn cách xã hội cao thứ hai (cấp độ 3) ở ngoài khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận bắt đầu từ ngày 27/7, động thái mới nhất nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 ở các tỉnh thành vào cao điểm của kỳ nghỉ hè. Thông báo trên được đưa ra trong cuộc họp bàn về cách thức ứng phó với dịch bệnh của chính quyền do Tổng thống Moon Jae-in chủ trì.

Trước đó vài ngày, các quan chức y tế Hàn Quốc đã gia hạn thời gian thực hiện giãn cách xã hội mức độ cao nhất (cấp độ 4) ở khu vực Seoul, tỉnh Gyeonggi xung quanh và thành phố cảng phía Tây Incheon, cho đến ngày 8/8 tới.

Làn sóng dịch bệnh thứ tư đã đẩy số ca mắc COVID-19 hàng ngày trên toàn Hàn Quốc lên hơn 1.000 ca kể từ ngày 7/7. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), ngày 25/7, nước này có thêm 1.486 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.422 cư dân lây nhiễm trong nước, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 188.848 trường hợp.

Số ca mắc COVID-19 ở Phnom Penh có dấu hiệu giảm Số ca mắc COVID-19 ở Phnom Penh có dấu hiệu giảm Đại dịch ngoài tầm kiểm soát ở Indonesia có thể tạo ra siêu biến thể Đại dịch ngoài tầm kiểm soát ở Indonesia có thể tạo ra siêu biến thể Thủ tướng Singapore kêu gọi không trì hoãn tiêm vaccine Thủ tướng Singapore kêu gọi không trì hoãn tiêm vaccine

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước