Ngày 14/2, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - ông Vương Nghị chính thức bắt đầu chuyến công du 4 nước châu Âu, trong đó có Nga và dự Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần này. Chuyến thăm Nga lần này của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh và Moscow đang ngày càng xích lại gần nhau, thể hiện sự ổn định trong quan hệ song phương.
Ông Vương Nghị là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc đến thăm châu Âu kể từ sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại châu lục này, ông sẽ thăm Pháp, Italy, Hungary, Nga và dự kiến tham dự Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59.
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng, chuyến thăm Moscow của ông Vương Nghị sẽ tạo cơ hội để Trung Quốc và Nga tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược và trao đổi quan điểm về các vấn đề nóng của quốc tế và khu vực.
Ông Uông Văn Bân - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc sẵn sàng coi chuyến thăm này là cơ hội cùng với Nga thúc đẩy quan hệ song phương tiếp tục vững bước tiến lên phía trước theo định hướng mà nguyên thủ hai nước đã đề ra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cả hai bên, phát huy vai trò tích cực trong hòa bình thế giới".
Trước đó, cuối tháng 1 vừa qua, phía Nga cũng bày tỏ mục tiêu đưa quan hệ với Trung Quốc lên "tầm cao mới", mong đợi đối thoại trực tiếp với giới lãnh đạo Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Nga nêu mục tiêu đạt trị giá thương mại 200 tỷ USD giữa hai nước trước thời hạn năm 2024 và "làm sâu sắc đáng kể" mối quan hệ với Bắc Kinh thông qua những nỗ lực chung trong năm nay.
Khởi đầu cho các cuộc trao đổi cấp cao giữa Trung Quốc và EU
Chuyến thăm đến các nước châu Âu trong bối cảnh kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - EU và dự Hội nghị an ninh Munich nên các chuyên gia cho rằng đây là cơ hội để ông Vương Nghị truyền tải tầm nhìn của Trung Quốc về an ninh toàn cầu, nhất là lập trường của Trung Quốc đối với an ninh châu Âu trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine. Chuyến đi cũng là khởi đầu cho các cuộc trao đổi cấp cao giữa Trung Quốc - EU thúc đẩy sự phát triển mới trong quan hệ song phương với ba nước châu Âu tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và EU - theo như lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân.
Ông Thôi Hồng Kiến, Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho rằng, ông Vương Nghị thăm ba nước châu Âu và Nga cho thấy Trung Quốc tích cực thể hiện vai trò là nước thích hợp nhất làm trung gian trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ và phương Tây.
Liên quan đến chuyến công du tới Nga, ông Uông Văn Bân cho biết, trong thời gian ở thăm Nga, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc sẽ trao đổi thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước trong giai đoạn tiếp theo, các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm theo định hướng mà nguyên thủ hai nước đã nhất trí.
Nhiều đồn đoán, người đứng đầu ngoại giao Trung Quốc thăm để dọn đường cho Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm Nga nhưng đến nay chưa có thông tin gì về vấn đề này. Nhưng rõ ràng trong vài năm gần đây khi mà mâu thuẫn giữa Mỹ - phương Tây với Nga cũng như Trung Quốc gay gắt, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin có nhiều cuộc gặp trực tuyến và trực tiếp.
Thuận lợi và khó khăn trong quan hệ Nga - Trung Quốc
Kim ngạch thương mại Trung Quốc - Nga năm 2022 đạt hơn 190 tỷ USD, tăng đến 29,3% so với năm trước đó. Nga xuất siêu mạnh sang Trung Quốc, Trung Quốc là nước mua dầu thô, khí đốt từ Nga nhiều hàng đầu sau những lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu. Khi quan hệ giữa Nga, Trung Quốc với Mỹ và phương Tây ngày càng mâu thuẫn thì hai nước càng có quan hệ nồng ấm, có tiếng nói chung, ủng hộ nhau nhiều vấn đề lớn của thế giới.
Khi nền kinh tế mở cửa mạnh, nhu cầu dầu - khí đốt tăng, Trung Quốc tăng cường nhập dầu - khí giá rẻ từ Nga, tăng cường trao đổi thương mại bằng đồng Nhân dân tệ. Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, Trung Quốc thường kín tiếng trong các giao dịch này. Mỹ từng áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp lên các công ty nước ngoài mua dầu từ Iran. Gần đây Ukraine cùng một số nước kêu gọi Mỹ có biện pháp mạnh lên các công ty của Trung Quốc và Ấn Độ.
Dù có mối quan hệ ngày càng nồng ấm nhưng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Nga chỉ bằng hơn 1/3 so với kim ngạch giữa Trung Quốc với Mỹ năm 2022, 690 tỷ USD, trong đó Trung Quốc xuất siêu kỷ lục vào Mỹ. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc luôn thận trọng trong các giao dịch mua bán dầu. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc khó khăn, mới mở cửa, Trung Quốc cần một môi trường yên ổn để phát triển kinh tế thì giảm càng nhiều mâu thuẫn với Mỹ và phương Tây càng tốt.
Việc Nga và Trung Quốc tăng cường gắn kết chặt chẽ trong thời gian qua được cho là nhằm chủ động đối phó với những diễn biến gần đây trên bản đồ chính trị - kinh tế thế giới, đặc biệt là trước sức ép từ các biện pháp trừng phạt thương mại của phương Tây.
Mặc dù một số phân tích vẫn có quan điểm thận trọng về con đường hợp tác phía trước trong bối cảnh Nga - Trung Quốc tuy có nhiều lợi ích chung nhưng đều muốn duy trì vai trò điều phối trong việc thực hiện các chính sách riêng, song không thể phủ nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nền kinh tế lớn, có sự vững vàng về chính trị, sẽ là nền tảng vững chắc đối với sự ổn định chung của khu vực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!