Đánh giá này được đưa ra sau khi giới chức Mỹ lên tiếng về việc Trung Quốc tiến hành 2 vụ thử nghiệm vũ khí, trong đó những vũ khí thử nghiệm bay với vận tốc gấp 5 lần tốc độ âm thanh, lần lượt trong tháng 7 và tháng 8. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ thông tin trên, và cho biết, đó chỉ là các chuyến bay thử nghiệm thường lệ của tàu không gian.
Tên lửa siêu thanh có tốc độ cao gấp hơn 5 lần tốc độ âm thanh, có thể mang đầu đạn hạt nhân, điều khiển từ xa và có khả năng chạm đích nhanh hơn. Đây là loại vũ khí có thể khiến đối thủ không có thời gian phản ứng và các loại vũ khí truyền thống không thể bắn hạ.
Với những đặc điểm nổi trội này, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng gọi tên lửa siêu thanh là loại vũ khí bất khả chiến bại.
Nga là nước đã có những bước tiến khá xa trong việc phát triển tên lửa siêu thanh. Ngày 4/10/2021, Nga lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh Tsirkon từ tàu ngầm hạt nhân Severodinsk ngoài khơi biển Barents. Tsirkon có khả năng tấn công các mục tiêu trên biển, đất liền, đạt tốc độ hơn 11.000km/h và tầm hoạt động trên 1.000km. Vụ phóng diễn ra thành công và tên lửa bắn trúng mục tiêu đã định. Tổng thống Nga Putin gọi đây là một hệ thống vũ khí bất khả chiến bại mới trên thế giới.
Tổng thống Nga Putin nói: "Các thử nghiệm của Zircon là một sự kiện trọng đại, không chỉ với các lực lượng vũ trang của Nga mà cho toàn bộ nước Nga. Việc trang bị cho quân đội, hải quân những vũ khí mới, chưa có loại vũ khí tương đương trên toàn thế giới, chắc chắn về lâu dài sẽ tăng cường khả năng quốc phòng của chúng tôi".
Trên thực tế Nga đã bắt đầu nghiên cứu tên lửa Zircon từ đầu thập niên 2010 và trong 5 năm qua đã tiến hành nhiều vụ thử, nhưng đây là lần đầu tiên Nga cho phóng thử tên lửa Zircon từ tàu ngầm, một giai đoạn quan trọng trong phương diện tác chiến.
Trung Quốc gần đây cũng được coi là một nhân tố "đáng gờm" với nhiều dự án phát triển vũ khí siêu thanh. Cả Nga và Trung Quốc theo đuổi tên lửa siêu thanh là nhằm đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, có khả năng vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo truyền thống mà Nga và Trung Quốc sở hữu.
Về phía Mỹ, sự tiến bộ trong công nghệ vũ khí siêu thanh của Nga, Trung Quốc đã đẩy nước này đứng trước lựa chọn: Hoặc tiếp tục tập trung hiện đại hóa hệ thống phòng thủ chống tên lửa, hoặc đặt ưu tiên phát triển các loại tên lửa siêu thanh. Và đây được xem là lựa chọn của Mỹ:
Ngày 27/9/2021, Lầu Năm Góc cho biết, đã phóng thử vũ khí siêu thanh nạp không khí với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh, đánh dấu lần thử nghiệm thành công loại vũ khí này kể từ năm 2013.
Ngay sau đó, ngày 20/10/2021, hải quân và lục quân Mỹ đã thử nghiệm các nguyên mẫu là thành phần vũ khí siêu thanh. Ba trong số các thử nghiệm đã thành công.
Theo Văn phòng Trách nhiệm Giải trình Chính phủ Mỹ (GAO), Mỹ hiện có 70 dự án vũ khí siêu thanh hoặc liên quan vũ khí siêu thanh, được đầu tư khoảng 15 tỷ USD cho giai đoạn từ năm 2015-2024.
Ngoài ra, cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) cũng đã đệ đơn yêu cầu được cấp 247,9 triệu USD trong tài khóa 2022 để phát triển khả năng phòng thủ chống lại vũ khí siêu thanh.
Rõ ràng, một cuộc chạy đua vũ trang mới về công nghệ siêu thanh đang diễn ra gay cấn. Trong tương lai, cuộc đua này được dự báo sẽ còn gay cấn hơn, đông người chơi hơn.
Mới đây, Triều Tiên cũng tuyên bố đã thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh mới phát triển. Còn việc nước nào sẽ về đích trước và nhờ nước đó nắm trong tay con át chủ bài về địa chính trị - khó có thể có câu trả lời trong thời gian ngắn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!