Luật này nhằm bảo vệ cuộc sống cá nhân của nhân viên khỏi sự xâm lấn của công việc - điều đã trở nên phổ biến hơn kể từ khi đại dịch COVID-19 làm mờ ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng tư.
Theo luật mới này, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc công việc có giờ giấc không cố định, người sử dụng lao động không thể yêu cầu nhân viên trả lời ngoài giờ làm việc. Luật không cấm sếp liên lạc với nhân viên nhưng người lao động có quyền từ chối không đọc hay phản hồi hoặc liên lạc với sếp ngoài giờ làm việc mà không cần bất kỳ lý do nào. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với cơ quan có từ 15 người lao động trở lên.
Nếu có tranh chấp, Ủy ban Lao động Công bằng (FWC) của Australia sẽ quyết định liệu việc từ chối trả lời của nhân viên có hợp lý hay không và có thể áp dụng hình phạt lên đến 19.000 AUD cho cá nhân và 94.000 AUD cho doanh nghiệp vi phạm.
Một số nhóm sử dụng lao động như Australian Industry Group lo ngại rằng luật này có thể gây ra sự mơ hồ và ảnh hưởng đến sự linh hoạt trong công việc, đồng thời làm chậm nền kinh tế.
Luật mới này đưa Australia vào danh sách các quốc gia đã áp dụng "quyền ngắt kết nối", chủ yếu là ở châu Âu và Mỹ Latin, trong đó Pháp là nước tiên phong khi ban hành luật này vào năm 2017. Luật này được kỳ vọng sẽ giúp nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân nhưng cũng đặt ra thách thức cho người sử dụng lao động trong việc quản lý nhân sự và đảm bảo hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
Theo một nghiên cứu vào năm 2023, người lao động Australia trung bình phải làm thêm 5,4 giờ/tuần mà không được trả lương. Thực tế này làm nhiều người bị nghiện làm việc hoặc không cân bằng được cuộc sống và công việc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!