Những cánh đồng cao lương nằm cách Thủ đô Paris của nước Pháp chỉ hơn 70 cây số. Cây cao lương, một loại ngũ cốc vốn phổ biến ở châu Phi, nay được trồng ngày càng nhiều tại Pháp và các nước châu Âu, điều ít ai nghĩ đến trước đây.
Ông Eudes Coutte, một nông dân Pháp, cho biết: "Việc trồng cao lương tại vùng đất này là một cách canh tác mới, một tư duy mới về nông nghiệp".
Tình trạng khan hiếm nước do khô hạn kéo dài chỉ là một trong nhiều hệ quả của biến đổi khí hậu, dẫn tới sự thay đổi tập quán canh tác tại nhiều khu vực trên thế giới. Biến đổi khí hậu đang vẽ lại bản đồ địa lý nông nghiệp toàn cầu.
Ông Kaveh Zahedi - Giám đốc Văn phòng Biến đổi khí hậu, Đa dạng sinh học và Môi trường, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc - cho rằng: "Các giải pháp cho hệ thống nông nghiệp và lương thực có thể giúp các nước thích ứng biến đổi khí hậu".
Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc, nông nghiệp là lĩnh vực gánh chịu tới 23% tổng thiệt hại do thiên tai và thảm họa trên thế giới. Hạn hán tác động nặng nề nhất đến ngành nông nghiệp toàn cầu, 65% tổng thiệt hại do hạn hán rơi vào lĩnh vực nông nghiệp. Còn thiệt hại do lũ lụt ước tính vào khoảng 20%.
Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nhưng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Khoảng 30% lượng khí thải nhà kính toàn cầu là do hoạt động sản xuất lương thực thực phẩm, đây là kết quả nghiên cứu được tiến hành với sự phối hợp của các chuyên gia Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và một số tổ chức khác. 5% mức độ ấm lên của Trái đất bắt nguồn từ hệ thống lương thực toàn cầu.
Chính vì vậy, việc sản xuất lương thực thích ứng biến đổi khí hậu vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa góp phần giảm phát thải khí nhà kính, trong đó carbon và metan.
Vụ Đông Xuân này tại đồng bằng sông Cửu Long đã có 200.000 ha tham gia đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Đây là mô hình được các tổ chức quốc tế đánh giá là mô hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới. Đến nay, đã có nông dân ở 12/13 tỉnh, thành phố tại Đồng bằng sông Cửu Long đăng ký tham gia đề án này. Mục tiêu các hộ nông dân tham gia đề án có lợi nhuận từ 40% trở lên và ngành lúa gạo sẽ thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhấn mạnh: "Làm sao tổ chức lại sản xuất lúa, không có chịu sự tác động của biến đổi khí hậu nhiều và cũng không tác động lại làm cho biến đổi khí hậu tăng lên. Thu nhập của người nông dân được ổn định".
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức diễn đàn nhằm cập nhật xu hướng nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, giải pháp sáng tạo trong nông nghiệp.
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng: "Chúng ta cần có công nghệ và các chuyên gia nước ngoài giúp đỡ để thích ứng chứ không phải chống lại biến đổi khí hậu".
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (Ảnh: Báo Nông nghiệp)
Hướng tới phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, công nghệ sinh học, công nghệ số, công nghệ chỉnh sửa gien được xác định là then chốt để Việt Nam thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải, cải thiện hàm lượng dinh dưỡng trong nông sản.
Ông Duke Hipp - Giám đốc Đối ngoại và Hợp tác chiến lược, Hiệp hội Croplife châu Á - cho biết: "Ứng dụng và chia sẻ những công nghệ mới nhất cũng như hỗ trợ nông dân sản xuất quy mô nhỏ là đòi hỏi của các quốc gia có thế mạnh nông nghiệp. Đặc biệt với ngành lúa gạo thì vấn đề hiện nay chúng tôi muốn giúp nông dân sản xuất nhiều thực phẩm hơn, chất lượng cao hơn trong khi sử dụng ít nguồn lực hơn".
Không chỉ riêng ngành lúa gạo, Chính phủ đã phê duyệt và ban hành "Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030". Kế hoạch hành động này hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái, giảm phát thải, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc về cả thiên tai và nhân tai. Đây chính là xương sống để ngành nông nghiệp Việt Nam và chuỗi cung ứng thực phẩm sẽ có sự chuyển mình toàn diện, tự bảo vệ mình trước những tác động tiêu cực đến nguồn cung lương thực.
Biến đổi khí hậu vẽ lại bản đồ đất nông nghiệp
Thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là lúc thế giới dần làm quen với thực tế mới. Do điều kiện khí hậu thay đổi, có những loại cây trồng hàng nghìn năm gắn với một vùng đất này thì nay lại xuất hiện ở những vùng đất khác. Có những vùng đất rộng lớn trước kia không thể trồng trọt được thì nay có thể lại trở thành những vùng canh tác mới. Biến đổi khí hậu đang vẽ lại bản đồ đất nông nghiệp thế giới.
Tại Saint-Escobille, phía Nam Thủ đô Paris, Pháp, bên cạnh ruộng ngô khô cằn, héo úa, ruộng cao lương vẫn xanh tươi và nặng trĩu hạt. Cao lương, vốn được trồng tại vùng Sahel của châu Phi, giờ đang là giải pháp của nông dân Pháp. Thay vì tiếp tục trồng ngô, giờ trở nên khó khăn vì cần nước tưới, họ chuyển dần sang trồng cao lương và tạo ra một ngành kinh tế mới của Pháp.
Ông Eudes Coutte, một nông dân Pháp, cho biết: "Việc trồng cao lương hấp dẫn vì nó mang lại một nền canh tác mới, một cách nghĩ mới về nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, bảo tồn tài nguyên và tác động đến tương lai. Đó là giải pháp giúp cải thiện mọi thứ, tiêu thụ ít thuốc bảo vệ thực vật hơn, ít phân bón hơn và trên hết là bảo tồn nguồn nước ngầm và tài nguyên nước".
Trong 4 năm qua, diện tích trồng cao lương ở Pháp đã tăng hơn 50%. Không chỉ Pháp, nhiều nước châu Âu đã hướng tới trồng loại cây này để cung cấp lương thực cho con người.
Người nông dân buộc phải thích ứng theo sự thay đổi do biến đổi khi hậu mang tới (Ảnh: AP)
Tại một ruộng nho ở Bastad, phía Nam Thụy Điển, nhiều năm trước, không ai nghĩ rằng một đất nước lạnh giá ở bán đảo Scandinavia lại có thể trồng được nho. Nhưng ngày nay, biến đổi khí hậu đã khiến mọi thứ thay đổi.
Bà Anna Martensson - Đại học Nông nghiệp Thụy Điển - cho biết: "Một quả nho cần khoảng 100 ngày từ khi ra hoa đến khi trưởng thành, trên 10 độ C. Điều mà trước đây chưa từng xảy ra. Đó là một sự thay đổi thực sự. Mọi người đang dần nhận ra rằng họ có thể trồng những thứ khác ngoài lúa mì ở đây".
Còn tại miền Nam nước Anh, khí hậu giờ cũng giống như vùng Champagne hoặc Bourgogne của Pháp nên cũng có thể trồng nho và sản xuất rượu vang với chất lượng tương đương.
Ông Charlie Holland - Chủ xưởng sản xuất rượu vang Gusbourne Estate, Anh - cho rằng: "Ở Anh bây giờ, chúng tôi có thể tạo ra những loại rượu vang sủi đặc biệt. Chúng tôi có khí hậu hoàn hảo, chúng tôi có mùa trồng trọt rất dài nên lượng đường trong nho tăng chậm, lượng axit giảm xuống giúp phát triển rất nhiều hương vị. Tuyệt hảo cho rượu vang sủi. Bây giờ, chúng tôi có thể làm chín nho đến mức cao hơn nhiều so với mức chúng tôi có thể làm 10, 15 năm trước".
Việc Trái đất nóng lên đang khiến đất canh tác bị "chuyển đổi", tạo ra sự hoán đổi về mặt thổ nhưỡng giữa một vùng đất này với một nơi khác. Điều này tưởng như vô lý nhưng đang dần trở thành hiện thực.
Xây dựng hệ thống lương thực thích ứng khí hậu
Gần một tỷ người trên thế giới đang bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Đây là số liệu mới nhất vừa được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh lương thực toàn cầu được tổ chức tuần qua tại thủ đô London của Anh. Tình trạng mất an ninh lương thực đang trở nên nghiêm trọng hơn do các tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc, trong 3 thập kỷ qua, thiên tai và thảm họa do con người gây ra làm thiệt hại khoảng 123 tỷ USD mỗi năm về sản lượng lương thực. Con số này tương đương 5% tổng sản lượng lương thực toàn cầu, số lương thực này đủ để nuôi sống 500.000 người mỗi năm Sản lượng ngũ cốc bị thiệt hại trung bình hàng năm ước tính ở mức 69 triệu tấn, gấp rưỡi tổng sản lượng hàng năm của một nước xuất khẩu lương thực lớn như Việt Nam. Thiệt hại rau quả khoảng 40 triệu tấn, thiệt hại về thịt, trứng và sữa khoảng 16 triệu tấn. Còn với hải sản, có tới hơn 90% nguồn cung trên thế giới đang bị ảnh hưởng do những thay đổi về môi trường như ô nhiễm và nhiệt độ tăng.
Biến đổi khí hậu gây ra những tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất nông nghiệp (Ảnh: AP)
Trước những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu, chìa khóa cho sản xuất lương thực bền vững, đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu chính là xây dựng hệ thống lương thực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thay đổi cách tiếp cận trong một thế giới đang thay đổi, đây là hướng đi góp phần đảm bảo an ninh lương thực, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực do làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp.
Ông Maximo Torero Cullen - Nhà kinh tế trưởng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) - cho rằng: "Hiện nay, chúng ta thiệt hại khoảng 128 tỷ USD mỗi năm do thiên tai và con số này sẽ còn tăng lên đáng kể. Vì vậy, đây là vấn đề cấp bách. An ninh lương thực và dinh dưỡng là quyền cơ bản của con người. Nhưng chúng ta không thể đạt được quyền cơ bản này nếu chúng ta không thực hiện hành động bền vững về khí hậu".
Ông Alvaro Lario - Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) - cho biết: "Chương trình nghị sự về khí hậu và chương trình nghị sự về an ninh lương thực hiện nay gắn kết rất chặt chẽ với nhau. Vài ba năm trước thì không phải như vậy".
Các diễn giả tại hội nghị đã nêu bật tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ, kết nối các ý tưởng đổi mới về nông nghiệp để xây dựng hệ thống lương thực toàn cầu bền vững hơn.
Điểm nhấn của hội nghị là việc nước chủ nhà Anh công bố thành lập Trung tâm khoa học trực tuyến nhằm liên kết các nhà khoa học đang nghiên cứu, phát triển các loại cây trồng có sức chống chịu tốt hơn trước tác động từ biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ ra mắt một trung tâm khoa học tập trung vào các nghiên cứu mũi nhọn về các loại lúa chống chịu tốt với ngập lụt, các loại lúa mì chống chọi tốt với dịch bệnh và hơn thế nữa".
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (Ảnh: AP}
Nông nghiệp cung cấp việc làm cho gần 1/3 lực lượng lao động toàn cầu và đóng góp khoảng 3,5 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới vào năm 2019. Nhưng lĩnh vực này đang bị tác động nghiêm trọng do suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở các quốc gia dễ bị tổn thương, đòi hỏi một sự chuyển đổi căn bản trong cách thức sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững.
Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu kêu gọi hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đây là mức tăng nhiệt mà các nhà khoa học cho rằng tác động của biến đổi khí hậu vẫn có thể kiểm soát được. Và năm 2023 này là thời điểm các nhà lãnh đạo các nước sẽ cùng ngồi lại để đưa ra những đánh giá mang tính hệ thống đầu tiên trong 8 năm qua về việc thực hiện Thỏa thuận Paris, xem thế giới có thể đạt được mục tiêu 1,5 độ C hay không.
Theo Ủy ban Liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu cần giảm 45% vào năm 2030 so với mức của năm 2010 và tiếp tục giảm xuống mức 0% vào năm 2050, để đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C. Việc chuyển đổi hệ thống sản xuất lương thực theo hướng bền vững có thể đóng góp tới một nửa lượng giảm phát thải này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!