Tiêu chuẩn mới về tái chế quần áo
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản mới đây đã đề xuất xây dựng tiêu chuẩn mới về sản xuất sợi từ quần áo cũ. Động thái này là nhằm góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền của người lao động và giảm dần số lượng quần áo sản xuất hàng loạt mang tính thời vụ, hay còn gọi là "thời trang nhanh". Dự kiến hệ thống tiêu chuẩn này sẽ được hoàn thiện vào năm 2026 trước khi gửi lên Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) vào năm 2027.
Để thúc đẩy quá trình tái chế quần áo bỏ đi, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã kiến nghị xây dựng một bộ tiêu chuẩn mới đối với sợi tái chế từ quần áo cũ và những doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn này sẽ nhận được những ưu đãi nhất định. Cụ thể, Bộ này sẽ đưa ra những định nghĩa mới về sợi tái chế trong lĩnh vực sợi hóa học như polyester và nylon cũng như sợi tự nhiên như bông hoặc len, bao gồm tỷ lệ vật liệu tái chế, khối lượng sợi, phương pháp tính và phương pháp thể hiện trên nhãn mác.
Nhiều quốc gia siết chặt quản lý “rác thải” thời trang nhanh nhằm hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường (Ảnh: phys.org)
Theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), các sản phẩm được gắn mác tái chế nếu chứa ít nhất 20% sợi nylon và 50% sợi polyester tái chế. Trên cơ sở này, Hệ thống Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản sẽ được hoàn thiện vào năm 2026 và trình lên Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) vào năm 2027.
Theo Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản, tỷ lệ tái chế thành các sản phẩm dệt may mới ở nước này cực thấp, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số sản phẩm dệt may tái chế trên thế giới.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản giám sát ngành dệt may chặt chẽ hơn, xuất phát từ thực trạng "thời trang nhanh" thải một lượng lớn rác ra môi trường. Bên cạnh đó, nhiều báo cáo chỉ ra rằng nhiều lao động trong ngành dệt may tại các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á, thậm chí ngay ở Nhật Bản đang phải làm việc quá giờ với mức thu nhập rất thấp. Do đó, 2 trụ cột chính trong đề xuất của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản là khuyến khích tái chế quần áo cũ và bảo vệ quyền của người lao động.
Ngành công nghiệp thời trang toàn cầu ước tính có giá trị 3.000 tỷ USD, góp 2% GDP thế giới, với quy mô lớn và tốc độ phát triển nhanh chóng. Để có giá thành rẻ, các nhà sản xuất thường sử dụng chất liệu rẻ, khó phân hủy và vì vậy vòng đời sản phẩm ngắn. Điểm đỗ cuối cùng của quần áo cũ là bãi rác. Đây cũng là nguyên nhân khiến thời trang góp phần hủy hoại môi trường.
Số liệu của Bộ Môi trường Nhật Bản cho thấy trong năm 2020 đã có khoảng 819.000 tấn quần áo mới được đưa ra thị trường nước này. Trong đó có đến 510.000 tấn đã trở thành rác thải chỉ sau ít lần sử dụng. Nếu tính bình quân trên thế giới, hàng năm con người vứt bỏ khoảng 92 triệu tấn quần áo, tương đương mỗi giây sẽ có đầy 1 xe chở quần áo bị thải bỏ ra ngoài bãi rác. Ngân hàng Thế giới ước tính từ nay cho đến năm 2050, mỗi năm thế giới thải ra 3,4 tỷ tấn rác thời trang.
Châu Âu thắt chặt quản lý sản xuất và kinh doanh thời trang nhanh
Ủy ban châu Âu đã ban hành quy định sinh thái với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường châu Âu và quy định không được chôn lấp hoặc đốt sản phẩm dệt may không bán được. Theo đó, hàng dệt may vào thị trường châu Âu phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được; các công ty thời trang cũng được kêu gọi giảm số lượng bộ sưu tập mỗi năm.
Để đạt được các quy định, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, thân thiện với môi trường, phải chịu trách nhiệm thu hồi và tái chế, không được chôn lấp các sản phẩm không bán hoặc không còn sử dụng được. Các nhà sản xuất cũng buộc phải gắn mã QR hay còn gọi là hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số, định danh cho từng mặt hàng, để cơ quan chức năng các nước thành viên quản lý, giám sát việc hàng đã được bán hay vẫn tồn kho.
Ủy ban châu Âu đã ban hành quy định sinh thái với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường châu Âu (Ảnh: Getty Images)
Tuy nhiên, hàng tồn kho đang là gánh nặng với các nhà bán lẻ. Việc loại bỏ hoặc lưu trữ hàng khiến các nhà bán lẻ châu Âu tốn hàng tỷ Euro mỗi năm. Nhiều nhà bán lẻ đã áp dụng hoạt động mua hàng bền vững để giảm lượng dư thừa vào cuối mùa. Chẳng hạn, số hàng tồn kho sẽ được phân loại thành các nhóm: một số chuyển đến các tổ chức từ thiện, một số đi vào thị trường cho thuê.
Một số thương hiệu chọn cách lưu trữ hàng để bán tại kho và cửa hàng riêng, bán tại chỗ hoặc ký gửi hàng cho các nền tảng trực tuyến. Còn các nhà thiết kế lại tận dụng tối đa các vật liệu bỏ đi hoặc còn sót lại để tái chế thành sợi và vải mới, chú trọng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo để quản lý tốt hơn nguồn hàng của mình. Quy định quản lý khiến các thương hiệu sang trọng tìm hiểu nhiều hơn về khách hàng, từ đó, dự báo lượng mua, giảm lượng tồn kho. Một số thương hiệu cho phép đặt hàng trước và sản xuất theo nhu cầu.
Với nhận thức cao về môi trường, trong mảng thời trang, "bền vững" là một đặc tính đang nhận được nhiều sự hưởng ứng của người tiêu dùng. Thời trang bền vững được xem là xu hướng phát triển tất yếu, không những trong thời điểm hiện tại mà còn là bước ngoặt cho sự sống còn của một thương hiệu.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, thế giới có quyền hy vọng các nhà khoa học, các thương hiệu thời trang sẽ tìm ra nhiều chất liệu an toàn với môi trường hơn nữa để "thời trang xanh" có thể thay thế hoàn toàn "thời trang nhanh".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!