Nhân viên văn phòng trong giờ nghỉ trưa ở Singapore vào ngày 8/9/2021. (Ảnh minh họa: Reuters)
Việc Singapore thắt chặt chính sách tiền tệ chống lạm phát được đưa ra trong bối cảnh nước này đang tăng cường kiềm chế sức ép giá cả gia tăng do cuộc chiến tại Ukraine gây ra.
Quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ lần thứ 3 trong sáu tháng qua được Singapore đưa ra khi các số liệu riêng biệt của Chính phủ nước này cho thấy, động lực kinh tế của Singapore đã suy yếu trong quý đầu tiên của năm 2022.
Giá đồng SGD đã tăng vọt một thời gian ngắn sau khi Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) tái xác lập điểm giữa của biên độ chính sách tỷ giá hối đoái (được gọi là tỷ giá hối đoái danh nghĩa, hoặc S $ NEER) ở mức phổ biến của nó, đồng thời làm tăng nhẹ tỷ lệ tăng giá của biên độ chính sách.
Đồng SGD đã mạnh lên khoảng 0,5% sau tuyên bố trên và đạt mức cao nhất trong một tuần là 1,3552 SGD/USD.
Cơ quan Tiền tệ Singapore thông báo điều tiết chính sách tiền tệ dựa trên các biện pháp điều chỉnh tỷ giá hối đoái thay vì điều chỉnh lãi suất. Theo đó, giá trị của đồng SGD được điều chỉnh tăng hoặc giảm so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chính trong một biên độ không được tiết lộ.
Cơ quan Tiền tệ Singapore điều chỉnh chính sách tiền tệ thông qua ba đòn bẩy: độ dốc, điểm giữa và độ rộng của biên độ chính sách, được gọi là tỷ giá danh nghĩa đa phương.
Trụ sở Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS). (Ảnh: Reuters)
Ngân hàng trung ương Singapore duy trì dự báo tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng từ 3% lên 5% trong năm nay.
Dữ liệu vào ngày 14/4 cho thấy, GDP Singapore tăng 3,4% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2022 so với cùng kỳ năm 2021, trong khi kỳ vọng của các nhà kinh tế là tăng trưởng đạt 3,8% và chậm hơn tốc độ 6,1% trong quý IV/2021.
Singapore, trung tâm du lịch và kinh doanh toàn cầu, đã thực hiện các động thái mở cửa trở lại lớn nhất từ đầu đại dịch COVID-19. Đến cuối tháng 3 và đầu tháng 4, Singapore đã nới lỏng các hạn chế trong nước và cho phép khách du lịch đã tiêm vaccine từ mọi nơi trên thế giới nhập cảnh không cần phải kiểm dịch.
MAS đã thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 1/2021 trong một động thái không theo chu kỳ, sau đó là thắt chặt vào tháng 10, tương tự nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu khác để chống lại gia tăng lạm phát.
Xung đột Nga - Ukraine đã làm tăng áp lực lên giá tiêu dùng vốn đã tăng nhanh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Chính phủ Singapore cho biết, họ sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp tài khóa và tiền tệ nếu cuộc khủng hoảng ở Ukraine ngày càng sâu sắc, ảnh hưởng đến tăng trưởng và lạm phát của nước này.
MAS cho biết, cơ quan này dự kiến lạm phát cơ bản sẽ ở mức 2,5 - 3,5% trong năm nay, so với dự báo trước đó là 2,0 - 3,0%. Dự báo lạm phát chung ở mức 4,5 - 5,5%, tăng so với mức 2,5 - 3,5% trước đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!