Công trình hầm giữ nước Stamford nằm ở độ sâu 30m dưới Vườn thực vật (Botanic Garden), có kích thước bằng một sân bóng đá và có thể lưu trữ lượng nước tương đương 15 bể bơi chuẩn Olympic. Lũ lụt được điều tiết bằng cách khi mưa xuống, lượng nước quá tải ở mương dẫn chính sẽ được chuyển về hầm trữ nước này và khi hết mưa, nước từ hầm chứa lại được bơm ra kênh.
Có nhiều hầm giữ nước như vậy đang được xây dựng ở nhiều quy mô khác nhau ở Singapore nhằm phòng chống lũ lụt theo cách tiếp cận gọi là nguồn, đường dẫn và hồ chứa.
Chị Gayathri Kalyanaraman (Cơ quan Quản lý nước Quốc gia Singapore - PUB) cho biết: "Cách tiếp cận này giúp can thiệp trên toàn bộ hệ thống thoát nước, không chỉ dọc theo khu vực nước mưa chảy mà còn ngay từ khu vực mưa bão đổ xuống. Theo cách này, chúng tôi ngăn lũ lụt thông qua các biện pháp giữ nước tại chỗ, sau đó mới dần chuyến tới các kênh và cống dẫn, nơi thường phải nâng cấp theo cách truyền thống là mở rộng hoặc đào sâu xuống".
Công trình hầm giữ nước Stamford nằm ở độ sâu 30m (Ảnh: mse.gov.sg)
Kết hợp với chiến lược quốc gia thông minh, Singapore quản lý lũ lụt thông qua mạng lưới rộng khắp các cảm biến, theo dõi thời gian thực mực nước ở các con kênh và dòng sông, dự báo về lượng mưa rơi cũng như thiết lập các hệ thống cảnh báo về nguy cơ lũ lụt. Bên cạnh đó, Singapore cũng chú trọng củng cố bờ biển phòng chống nước biển dâng.
Ông Ho Chai Teck (Cục Bảo vệ bờ biển, Cơ quản Quản lý nước Quốc gia Singapore) tiết lộ: "Với công nghệ hiện tại, chúng tôi có thể dự báo hoặc dự đoán nước biển dâng trước tối đa 3 ngày. Nhờ đó, chúng ta sẽ biết đâu là những khu vực trũng tiềm ẩn có thể gặp rủi ro. Từ đó, chúng tôi huy động nhân lực phù hợp cũng như triển khai hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, tránh thiệt hại".
Phòng chống lũ lụt còn được tích hợp vào trong thiết kế và quy hoạch hạ tầng. Ví dụ như các khu chung cư ở Singapore thường có tầng 1 để trống, làm nơi sinh hoạt cộng đồng nhưng cũng là để phòng ngừa lũ lụt hay nước biển dâng. Hay các lối vào ga tàu MRT cũng được thiết kế cao hơn đường phố nhiều bậc cũng là để phòng ngừa lũ lụt tràn vào các ga tàu điện ngầm.
Có thể nói với một chiến lược toàn diện, tổng thể và cách tiếp cận đa chiều đã giúp Singapore có thể ứng phó hiệu quả với lũ lụt không chỉ hiện tại mà cả trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!