Sóng gió thừa kế những "chaebol" lớn nhất Hàn Quốc

Diệu Linh, Huệ Anh-Thứ tư, ngày 10/06/2020 06:54 GMT+7

VTV.vn - Những góc khuất hay bê bối chấn động của các gia đình "chaebol" liên tục bị phanh phui. Đặc biệt, quá trình chuyển giao quyền lực ngấm ngầm cạnh tranh và đấu tố nảy lửa.

Thái tử Samsung tiếp tục rơi vào vòng lao lý

Vào thứ hai (8/6), tại Toà án quận trung tâm Seoul, các công tố viên đã đưa ra các lý lẽ nhằm chứng minh rằng cần bắt giam Jay Y.Lee (Lee Jae Yong) người thừa kế của Tập đoàn Samsung với cáo buộc hối lộ và tham nhũng.

Vụ việc bắt đầu từ năm 2015, với cáo buộc ông Lee và Samsung đã dùng các cách thức bất hợp pháp để lên nắm quyền kiểm soát tập đoàn. Các công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc lần đầu truy tố thái tử Samsung vào đầu năm 2017. Họ cáo buộc Samsung đã móc nối tài chính với một người thân cận của cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhằm giành được những ưu thế trong công cuộc kế vị tập đoàn.

Sóng gió thừa kế những chaebol lớn nhất Hàn Quốc - Ảnh 1.

Ông Lee Jae Yong bị triệu tập vì cáo buộc liên quan đến thừa kế tập đoàn Samsung. Ảnh: Reuters

Ban đầu, ông Lee bị buộc tội và tuyên án 5 năm tù. Ông từng bị bắt giữ 1 năm nhưng được tại ngoại vào tháng 2/2018. Tuy nhiên, vụ án chưa kết thúc. Tháng 8/2019, Toà án Tối cao Hàn Quốc bác bỏ phán quyết hoãn thi hành án đối với Lee của toà án cấp dưới, đồng thời yêu cầu tái thẩm toàn bộ vụ án. Các cuộc điều trần đã hoãn lại khi một thẩm phán bị cho là đã thiên vị và xét xử theo hướng có lợi cho Lee. Hiện tại, Toà án Tối cao đang xem xét có giữ lại thẩm phán này hay thay thế người khác. Điều đó có nghĩa vụ án có thể kéo dài sang tận năm sau.

Trong cáo buộc mới chống lại Lee, các công tố viên đang đào sâu vào các chi tiết trong vụ sáp nhập gây tranh cãi giữa hai công ty con chủ lực của Tập đoàn Samsung vào năm 2015 là Samsung C&T và Cheil Industries. Các công tố viên nghi ngờ những nhân vật đầu não của Samsung có liên quan đến các gian lận kế toán nhằm dọn đường cho Lee Jae Yong. Lee Kun Hee, Chủ tịch Samsung và là cha của ông Lee Jae Yong, có thể đã cố tình hạ giá trị Samsung C&T trước vụ sáp nhập để làm lợi cho con trai. Lee Jae Yong vào giai đoạn đó giữ vị trí cổ đông lớn nhất của Cheil Industries, công ty con sản xuất mặt hàng dệt may, hoá chất và vật liệu hoá chất điện tử. Số cổ phần Lee nắm giữ lúc đó là 23,2%.

Mới đây, ông Lee đã hai lần bị triệu tập bởi cơ quan công tố với nội dung thẩm vấn liên quan đến các nghi vấn xoay quanh quá trình sáp nhập của Samsung C&T và Cheil Industries. Việc Lee có khả năng bị bắt giữ gây quan ngại lớn đối với Samsung bởi ông vắng mặt sẽ gây khó khăn cho quá trình đưa ra các quyết định lớn của tập đoàn, như thâu tóm, sáp nhập hay đầu tư.

Những tập đoàn "chaebol" khác cũng dậy sóng dư luận

Không chỉ có Samsung, những tập đoàn "chaebol" quyền lực khác của Hàn Quốc cũng dậy sóng dư luận do bê bối xoay quanh những hành vi thiếu chuẩn mực xã hội của những "hoàng tử", "công chúa".

"Chaebol" có ý nghĩa là gia tộc giàu có trong tiếng Hàn Quốc. 10 tập đoàn "chaebol" lớn nhất Hàn Quốc chiếm tới 70% GDP quốc gia này và đương nhiên là có vị thế cực kỳ quan trọng đối với các nền công nghiệp chủ lực. Tai tiếng xoay quanh chỗ dựa của nền kinh tế nghìn tỷ đô này càng làm dấy lên nhiều bất bình khi chính phủ Hàn Quốc dường như luôn "nhún nhường" trong vấn đề xử lý những "chaebol".

Lotte Group - tập đoàn đa quốc gia với hơn 100 công ty con thuộc các lĩnh vực khác nhau như đồ uống, thức ăn nhanh, dịch vụ tài chính, giải trí, công nghệ thông tin, xây dựng… - cũng dính vào không ít scandal khiến cánh báo chí nước này "tốn mực". Dù không thể phủ nhận những đóng góp cho nhiều cột mốc của nền kinh tế Hàn Quốc, mặt tối của "chaebol" này vẫn tồn tại, bắt nguồn từ cuộc chiến vương quyền gây trấn động cả xứ sở Kim Chi.

Hàng loạt các cáo buộc liên quan tới nghi án tham nhũng của Lotte đã được đặt ra sau điều tra của công tố viên. Lần lượt các công ty con dứoi quyền của tập đoàn này được cho là những vỏ bọc, nhằm che dấu quỹ đen với dư luận. Theo tờ Koreaherald của Hàn Quốc, Lotte thậm chí còn sử dụng công ty ma ở Việt Nam để lập quỹ đen. Việc các thiên đường trốn thuế ở nước ngoài như đảo Cayman được Lotte lựa chọn để thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập, đã đẩy vương quyền này tới bê bối trốn số lượng thuế khổng lồ.

Gia tộc tài phiệt này càng chìm sâu trong khủng hoảng khi nhà sáng lập của tập đoàn, ông Shin Kyuk-ho, đã bị tước quyền lãnh đạo bởi chính con trai út của mình Shin Dong-bin. "Cha gặp khó khăn khi đưa ra các quyết định đúng đắn vì tuổi tác và bệnh tật" chỉ là cái cớ cho cuộc chiến "huynh đệ tương tàn". Sau khi bị em trai mình lật đổ, anh cả của Lotte, Dong-joo, khẳng định số liệu của tập đoàn này đã bị thao túng; các khoản lỗ tại Trung Quốc đồng thời cũng bị Shin Dong-bin che giấu, nhằm thực hiện mục đích hất "người cha không minh mẫn" ra khỏi chiếc ghế Chủ tịch.

Hai "chaebol" khác của Hàn Quốc, Hyundai và SK, cũng vướng phải không ít lùm xum khi "hai thiếu gia hư" là Chung, cháu trai của người sáng lập tập đoàn xe hơi Hyundai, và "hoàng tử" tập đoàn SK Group Chey Jong Gun, bị bắt vì mua bán, sử dụng ma túy. Theo đó, cảnh sát Hàn Quốc cũng tình nghi hàng loạt "cậu ấm", "cô chiêu" của một số "chaebol" lớn, cũng dính líu tới đường dây buôn bán và tiêu thụ ma túy của người đã bán chất cấm cho thiếu gia tập đoàn Hyundai này.

Năm 2000, Huyndai cũng bị chia thành 4 bởi cuộc chiến "nhất được tất" giữa những người con, người cháu đang thèm khát hàng tỷ USD thừa kế, dẫn đến sự xáo trộn kéo dài trong bộ máy lãnh đạo.

Korean Air, gia tộc tai tiếng gắn liền với loạt bê bối bạo hành, lạm quyền và ức hiếp kẻ yếu cũng khiến người dân Hàn Quốc dần mất niềm tin đối với tất cả những người đứng đầu tập đoàn đình đám liên tiếp nằm trong diện điều tra hình sự này.

Cách đây không lâu, ông Cho Yang Ho, Chủ tịch Korean Air, cũng phải hầu tòa do biển thủ hơn 20 tỷ Won (tương đương 18 triệu USD) và thiếu sự minh bạch khi "trao" hợp đồng không công bằng cho các công ty dưới quyền kiểm soát. Nhiều cáo buộc, từ biển thủ cho đến buôn lậu hàng hóa xa xỉ cũng khiến tập đoàn này thêm phần tai tiếng.

Sóng gió thừa kế những chaebol lớn nhất Hàn Quốc - Ảnh 2.

Hàng trăm nhân viên của hãng hang không Korean Air biểu tình tại Seoul yêu cầu chủ tịch Cho Yang Ho phải từ chức

"Cơn thịnh nộ hạt mắc-ca" và "Cơn thịnh nộ cốc nước" là hai biệt danh đầy mỉa mai gắn với cô "công chúa hư" của Korean Air.

Lớn tiếng nạt nộ phi hành đoàn và một trong số những tiếp viên vì đã phục vụ hạt mắc-ca trong túi thay vì trong đĩa khiến chuyến bay bị muộn mất 11 phút so với kế hoạch, Cho Hyun Ah, con gái của Chủ tịch hãng hàng không Korean Airlines kiêm Phó Chủ tịch tập đoàn, đã lãnh án tù giam 1 năm vì vi phạm luật hàng không quốc tế.

3 năm sau vụ bê bối chấn động thế giới của Cho Hyun Ah, Cho Hyun Min - cô con gái thứ 2 của Chủ tịch hãng này - tiếp tục nhận "gạch đá" của dư luận khi "dính phốt" thái độ thẳng tay hắt nước vào mặt một nhân viên cấp dưới ngay trong cuộc họp của công ty.

Phu nhân của ông Cho, bà Lee Myung Hee, đồng thời là chủ tịch Tổ chức phi lợi nhuận Ilwoo Foundation, cũng bị cho là có những lời lẽ, hành động xúc phạm đến nhân viên khi sẵn sàng sa thải và bắt họ phải quỳ gối trước bà. Những bê bối xoay quanh Korean Air đã khiến hàng trăm nhân viên của hãng hàng không này biểu tình tại Seoul yêu cầu Chủ tịch Cho Yang Ho phải từ chức.

Bản thân vị Chủ tịch Tập đoàn vận tải Hanjin - một trong những tập đoàn vận tải Hàn Quốc lớn nhất thế giới này, cũng từng bị cáo buộc liên quan đến tham ô và bất tín. Sau khi bị dành lại "chiếc ghế vàng" trong hội đồng quản trị, ông Cho qua đời ở tuổi 70. Dư luận theo đó đặt ra câu hỏi liệu sẽ còn những bê bối nào khác của gia đình "chaebol" này sẽ được đưa ra ánh sáng?

Nhiều bê bối tham nhũng với tham vọng thâu tóm quyền lực của các chính khách đã bị phơi bày. Dù những "chaebol" đóng góp một phần không nhỏ cho nền kinh tế Hàn Quốc, khi mà chỉ 10 "chaebol" hàng đầu đã chiếm tới gần 70% GDP nước này, những vụ lùm xùm "không đáng có" khiến người ta nghi ngờ, liệu những tập đoàn giàu có này là "anh hùng" hay "tội đồ" của đất nước hơn 51 triệu dân? Và rằng trước bước ngoặt kinh tế và công nghệ mà Hàn Quốc đang đối diện thì cách thức vận hành cũng như vị thế của các tập đoàn "chaebol" - gia đình trị - sẽ thay đổi như thế nào khi liên tiếp khiến công chúng Hàn Quốc phẫn nộ?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước