Thủ tướng Sri Lanka, ông Ranil Wickremesinghe.
Sri Lanka đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ khi chính phủ không thể huy động đủ ngoại tệ để mua xăng dầu và nhiều loại hàng hóa thiết yếu khác từ nước ngoài.
Đổ xăng những ngày này tại thủ đô Colombo, Sri Lanka thực sự là một thử thách lớn. Hàng trăm xe xếp hàng gần như cả ngày. Nếu có cây xăng nào mà bạn không cần phải xếp hàng thì chắc chắn cây đó đã hết xăng.
Ông Mohammad Ali - Tài xế xe ba bánh nói: "Tôi đã đi 3 cây xăng rồi mà đều hết xăng. Cây này còn xăng nhưng mọi người xếp hàng quá dài, tôi phải xuống cuối hàng, mà như thế thì quá xa, xe tôi cạn xăng giữa đường mất".
Những người xếp cuối sẽ mong được nhanh chóng chen lên đầu hàng. Nhưng ở trên thực tế cũng chẳng khả quan hơn là mấy.
Anh Mohammad Naushad - Tài xế xe ba bánh cho biết: "Xe không có xăng thì chúng tôi làm việc thế nào đây. Chạy xe là công việc duy nhất của tôi, tôi xếp hàng từ 7-8 giờ sáng nhưng đến giờ vẫn không biết có xăng hay không. Lúc thì họ nói có, lúc sau lại nói không. Đợi ở đây cũng không biết có được tích sự gì không nữa".
Xăng dầu được ví như huyết mạnh của nền kinh tế, Sri Lanka thông báo hết xăng dầu dự trữ và hầu như mọi hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị đình trệ hoàn toàn. Thủ tướng Wickremesinghe mới nhậm chức hôm 12/5 sau khi người tiền nhiệm từ chức dưới áp lực của làn sóng phản đối vì không giải quyết được khủng hoảng kinh tế. Ông thừa nhận kinh tế đất nước đang vô cùng bấp bênh, đồng thời thông báo ngân sách chính phủ đã hết tiền mặt để trả lương tháng 5 cho 1,4 triệu công chức.
Thủ tướng Wickremesinghe nói: "Trái với mong muốn của bản thân, tôi buộc phải cho phép in tiền để trả lương cho nhân viên khu vực nhà nước và thanh toán cho các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng việc in tiền dẫn đến sự mất giá của đồng rupee. Vài tháng tới sẽ là những tháng khó khăn nhất trong cuộc đời chúng ta. Tôi không muốn che giấu sự thật và nói dối trước người dân".
Chính phủ quốc gia Nam Á kêu gọi người dân cố gắng chịu đựng trong thời gian tới, trước khi tình hình trở nên sáng sủa hơn nhờ viện trợ nước ngoài. Sri Lanka đang đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất lịch sử, 22 triệu dân phải sống trong cảnh thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, nhiên liệu và thuốc men, cùng lạm phát kỷ lục và mất điện kéo dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!